Taekwondo – Môn quốc võ của Hàn Quốc

Taekwondo, môn quốc võ đại diện cho đất nước Hàn Quốc, đại diện cho tinh thần thể thao thượng võ của xứ sở kim chi. Nhưng bạn đã biết những gì về môn võ thuật có lịch sử xấp xỉ 2,000 năm này?

Bài viết tham khảo:

1. Giới thiệu chung

Taekwondo - Môn quốc võ của Hàn Quốc

Taekwondo – Môn quốc võ của Hàn Quốc

Taekwondo, tên tiếng Hàn là 태권도, là môn quốc võ và là loại hình võ đạo được luyện tập phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Bản chất của môn thể thao này được thể hiện ngay từ 3 từ nằm trong tên gọi:

  • Tae nghĩa là “cước pháp” (태)
  • Kwon nghĩa là “thủ pháp” (권)
  • Do nghĩa là đạo, con đường hay nghệ thuật (도)

Chính vì vậy Taekwondo có nghĩa là “Nghệ thuật đấu võ bằng tay và bằng chân”.

2. Lịch sử hình thành

2.1. Giai đoạn đầu

Taekwondo có lịch sử hình thành kéo dài hơn 2,000 năm. Môn võ thuật bắt nguồn từ thời cổ đại, hay chính xác hơn là thời kì Cao Ly, khoảng năm 37 trước Công nguyên. Trên những bức tường di tích được xây cất từ năm thứ 3 đến năm 427 có nhiều bức tranh vẽ là cảnh những người đàn ông đang tập luyện, mô tả các kỹ thuật đối kháng ban đầu có tên là “Subakhi” – một trong những hình thế ban đầu của môn võ cổ truyền Taekwondo ngày nay.

Nhiều tài liệu sau đó cho thấy sự tồn tại của một tổ chức có tên là “Hwarangdo” trong khoảng 20 năm trước triều đại Cao Câu Ly ở phía bắc Hàn Quốc. Đây là một tổ chức quân đội, giáo dục và xã hội có tầm ảnh hưởng rất lớn và có công đóng góp cho nền văn hóa và võ thuật Triều Tiên.

Tổ chức này không chỉ xem việc luyện tập võ thuật như phần thiết yếu trong huấn luyện quân đội và tăng cường thể chất mà còn phát triển việc này lên như một hoạt động giải trí. Võ của thời kỳ này có du nhập một số kỹ thuật chiến đấu của Trung Quốc với các tên gọi như Dang Soo (Đường thủ), Gong Soo (Tống thủ). Các thế tấn, kỹ thuật và hình dáng rất giống với các thế và hình dáng của Taekwondo thời hiện đại.

Trong thời kỳ Cao Ly (918 – 1392), võ thuật Triều Tiên lúc bấy giờ được biết nhiều với tên gọi là Subakhi. Đến triều đại Koryo, võ thuật chỉ độc quyền cho quân đội. Nhưng dưới thời nhà Triều Tiên, môn võ này đã trở nên phổ biến hơn trong dân chúng và có cả sách phát hành.

Trong thời kỳ 1777 – 1800, một bộ sách về phong tục và tập quán Hàn Quốc có tựa đề là Chaemulbo. Trong sách này nói rằng Subakhi được gọi là Taekkyon, một trong những tên gọi tương đồng với môn võ Taekwondo.

2.2. Quá trình thay đổi

“Subakhi” vẫn có điểm khác với Taekwondo. Nếu như đối với Subakhi, kĩ thuật tay được nhấn mạnh thì Taekkyon lại là môn thi đấu có hệ thống tập trung kĩ thuật vào chân và chiến thuật.

Vào cuối triều đại Chosun, Subakhi cũng bắt đầu suy tàn, chỉ tồn tại như một hình thức giải trí của dân thường.

Vào cuối thế kỷ 19, quân đội Triều Tiên suy yếu, người Nhật đô hộ đất nước, việc luyên tập võ thuật bị coi là hình thức nổi loạn và bị cấm.

Các tổ chức kháng Nhật sử dụng Taekkyon như một phương pháp luyện tinh thần và thể chất. Các du học sinh Triều Tiên tại Nhật Bản cũng được tiếp thu các môn võ của Nhật Bản như Karate và Jujitsu. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc hình thành Taekwondo sau này.

2.3. Khôi phục

Từ sau mốc ngày 15/08/1945, nhiều người nguyện vọng khôi phục lại môn võ thuật cổ truyền. Các du học sinh Triều Tiên từ Nhật trở về cũng mở các võ đường dạy các kỹ thuật tổng hợp từ môn võ cổ truyền cùng những kỹ thuật du nhập của Nhật Bản.

Đến đầu năm 1955, một ủy ban đặc biệt được thành lập theo chỉ thị của tổng thống, bao gồm các nhân sĩ trí thức, giáo sư, sử gia và các chính khách uy tín để đặt tên cho môn võ mới nhằm quảng bá trong đại chúng. Ngày 11 tháng 4 năm 1955, ủy ban này công bố tên gọi “Taekwondo” cho môn võ thuật dựa trên nên tảng của môn Taekkyon đã được hiện đại hóa.

2.4. Thời hiện đại

Lịch sử Taekwondo được liên kết chặt chẽ với lịch sử cá nhân của người được thừa nhận là cha đẻ của Taekwondo hiện đại, và cũng là người sáng lập kiêm Chủ tịch của Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF), Đại tướng Choi Hong Hi. ITF được hình thành nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự phát triển của võ thuật Triều Tiên. Taekwondo thành công như ngày hôm nay một phần lớn nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và sự cống hiến hết mình của Chủ tịch.

Năm 1973, Hàn Quốc đã tổ chức giải vô địch thế giới Taekwondo đầu tiên. Cũng trong năm đó, Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) được thành lập sau sự ra đi của ITF, với tư cách là cơ quan quản lý về các khía cạnh thể thao của Taekwondo. WTF đại diện cho hơn 35 quốc gia, với 20 triệu võ sinh Taekwondo.

Taekwondo được trình diễn vào ngày 17 tháng 9 năm 1988 trong Thế vận hội Seoul lần thứ 24, và điều này đã trở thành cầu nối để truyền bá Taekwondo trên toàn thế giới.

Năm 2000, Taekwondo trở thành môn thể thao được thi đấu chính thức tại Thế vận hội Olympic tại Sydney, Úc.

3. Trang phục

Mẫu đồng phục Taekwondo

Mẫu đồng phục Taekwondo

Trang phục thi đấu Taekwondo có tên gọi là “dobok”, là một bộ quần áo trắng, kèm theo đai màu mà nhiều người hay thường nói trêu là giống chiếc áo choàng tắm. Tuy nhiên bộ trang phục được cho là rất thoải mái và thuận tiện cho việc vận động.

Điều đặc biệt trên bộ trang phục, đó chính là màu sắc của chiếc đai vì nó thể hiện hệ thống xếp hạng, thể hiện kỹ năng và trình độ của người đeo.

Trường phái Taekwondo ITF có 18 bậc tiến gọi là 18 đẳng, cấp (từ cấp rồi mới tới đẳng), khởi đầu môn sinh mang cấp 10, sau mỗi 3 tháng, hoặc 6 tháng lại thi lên một cấp. Sau khi mang đai đen thì khoảng 2 năm lại thi lên đẳng một lần.

Hệ phái Taekwondo WTF có 5 trình độ (gọi là một “gup”) với 5 cấp đai (“dan”) từ trắng, vàng, xanh, đỏ vào cao nhất là đai đen (huyền đai). Võ sinh mới vào luyện bắt đầu ở cấp 10 (đai trắng) và tăng dần trình độ xuống cấp 1 (đai đỏ). Trong trường hợp võ sinh không đủ 15 tuổi thì sẽ vẫn ở đai đỏ và sẽ chuyển thành đai đen khi đủ tuổi.

Màu sắc tương ứng với cấp bậc các đai trong Taekwondo

Màu sắc tương ứng với cấp bậc các đai trong Taekwondo

3.1. Đai trắng

Màu trắng tượng trưng cho một trang trống, sự tinh khiết. Sự khởi đầu của hành trình Taekwondo.

3.2. Đai vàng

Chiếc đai vàng đại diện cho năng lượng. Nó liên kết với niềm vui, hạnh phúc, trí tuệ, và năng lượng. Vàng tạo ra sắc độ và cảm giác nóng, vui vẻ, kích thích hoạt động tinh thần, và tạo ra năng lượng cơ bắp.

Màu vàng tượng trưng cho mặt trời mọc, bắt đầu một ngày mới, và do đó một hành trình mới.

3.3. Đai cam

Màu cam tượng trưng cho hoàng hôn, lời hứa về những cơ hội mới để học hỏi vào ngày mai. Màu cam tượng trưng cho trái đất, từ đó luôn luôn có sự phát triển mới.

3.4. Đai xanh lá cây

Màu xanh lá cây tượng trưng cho mùa xuân, thời điểm mà sự tăng trưởng mới xảy ra.

Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn lên.

3.5. Đai tím

Màu tím tượng trưng cho sự uy nghi và nhân phẩm, cũng là biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh.

Ở Nhật Bản, màu tím tượng trưng cho cái chết, đó là lý do tại sao màu này hiếm khi được sử dụng trong các trường võ thuật Nhật Bản.

3.6. Đai xanh da trời

Màu xanh da trời tượng trưng cho bầu trời, điều mà sự tăng trưởng mới trải dài về phía trước.

Màu xanh tượng trưng cho tham vọng và năng lượng trẻ trung. Một lần nữa, như thể vươn tới bầu trời. Nó thúc đẩy con người luôn sống có mục tiêu mà không có giới hạn.

3.7. Đai nâu

Màu nâu tượng trưng cho trái đất (giống như màu vàng) hoặc núi, biểu thị một nền tảng vững chắc. Học viên phải tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân, để khai thác ra sự giàu có về kiến thức, trình độ cần thiết để đạt đến cấp độ tiếp theo trong Taekwondo.

3.8. Đai đỏ

Màu của lửa và máu, do đó, nó được liên kết với năng lượng, chiến tranh, nguy hiểm, sức mạnh, quyền lực, quyết tâm cũng như niềm đam mê, mong muốn, và tình yêu, là một màu sắc dữ dội của tình cảm.

Màu đỏ cũng tượng trưng cho mặt trời, với tất cả độ sáng và năng lượng của nó. Chiếc đai đỏ lúc này mang ý nghĩa nhắc nhở học viên phải cảnh giác và ý thức được sức mạnh trong con người mình.

3.9. Đai đen

Đai đen đại diện cho bước tiến lớn tiếp theo trong cuộc hành trình Taekwondo của bạn. Nó là sự khởi đầu để hiểu được độ sâu của Taekwondo.

Kết hợp vàng, cam, xanh lá cây, tím, xanh da trời, nâu, và đỏ tạo ra đen. Vì vậy, màu đen đại diện cho các kiến thức kết hợp của các cấp thấp hơn trong đào tạo Taekwondo.

4. Đặc điểm thế võ

Võ phục, phân cấp màu đai cũng như đòn thế của Taekwondo có nét tương đồng với Karatedo. Đã từng có nhiều người lầm tưởng Taekwondo là một hệ phái tách ra và phát triển từ Karatedo, nhưng thực chất không phải vậy.

Taekwondo hiện đại hiện nay chú trọng đặc biệt vào những đòn chân (chokki, cước pháp) và nhấn mạnh vào tính chất thể thao, có chiều hướng sử dụng bàn chân, cẳng chân qua những cú đá đầy uy lực.

Kỹ năng nhào lộn phá tan những tấm gỗ đặt cách mặt đất 3 mét hay tấn công liên hoàn nhiều mục tiêu trên không là những kỹ năng siêu việt thường được các võ sư Taekwondo biểu diễn.

Vẫn có một số lượng đòn tay (sugi) khá lớn, xét về số lượng có thể nhiều gấp ba số lượng đòn tấn công hoặc phòng ngự bằng chân. Tuy nhiên trong huấn luyện và thi đấu, với tư cách là một môn thể thao hơn là một môn võ tự vệ, Taekwondo đặt nặng vào vai trò của các đòn chân. Các đòn tay vì thế ít nhiều bị mai một, không được trau truốt, tinh lọc để đạt được tính hiệu quả.

5. Các hệ phái chính

5.1. Hệ phái Chang Hon

Đây là hệ phái lớn đầu tiên của Taekwondo, được xây dựng từ năm 1954, mang nặng tính chiến đấu. Hệ phái Chang Hon có tất cả 24 bài quyền (hyeong), phân thành 10 cấp (kup), 9 đẳng (dan). Người học sẽ đạt từ từ, đi lên từ cấp rồi mới đến đẳng.

Võ phục và thể lệ thi đấu gần giống như Karate. Khi thi đấu, các võ sĩ không mang giáp, khi ra đòn phải dừng đòn ở cự ly tối thiểu hoặc chỉ được chạm khẽ vào đối thủ.

5.2. Hệ phái Kukkiwon

Hệ phái lớn nhất thế giới, dựa trên hệ thống kỹ thuật và quyền pháp quy định của Hiệp hội Taekwondo Hàn Quốc, thành lập năm 1973. Mang tính hiện đại và thể thao hơn. Các đòn thế nguy hiểm bị cấm sử dụng trong thi đấu. Có 25 bài quyền (poomsae), 8 cấp (kup) và 10 đẳng (Dan).

Võ phục cổ chữ V đặc trưng. Khi thi đấu, các vận động viên bắt buộc phải mặc giáp và chỉ được tấn công vào phần mặc giáp của đối thủ.

6. Triết lý môn võ

Học võ thuật không phải là để đánh đấm đơn thuần hay để giết người, học võ thuật phải thấm nhuần được tư tưởng và triết lý của môn võ đó.

Học Taekwondo, các bạn cần nắm được:

  • Nghi thức / phép lịch sự
  • Khiêm tốn
  • Kiên trì
  • Tự kiểm soát
  • Tinh thần bất khuất

6.1. Nghi thức / phép lịch sự, 여의

Taekwondo có nguồn gốc, nền tảng liên quan mật thiết đến lĩnh vực quân sự. Nếu bạn đọc phần lịch sử hình thành của Taekwondo mà mình đã nói tới ở trên, bạn đã biết được Hwarang là những nhà quý tộc sử dụng võ thuật để tự vệ trước sự tấn công. Tổ chức này có một bộ luật danh dự.

  • Phục vụ chúa của bạn
  • Phục vụ cha mẹ bạn
  • Tin tưởng bạn bè của bạn
  • Không bao giờ rút khỏi trận chiến
  • Khi phải đoạt mạng một ai đó, hãy quyết định cẩn thận

Các điều răn hiện đại của Taekwondo bắt nguồn từ những điều này. Bạn sẽ có thể nhận ra một số điểm tương đồng.

  • Trung thành với đất nước của bạn
  • Tôn trọng bố mẹ
  • Trung thành với vợ / chồng của bạn
  • Tôn trọng anh chị em của bạn
  • Trung thành với bạn bè
  • Tôn trọng những người lớn tuổi hơn bạn
  • Tôn trọng giáo viên của bạn
  • Không bao giờ lấy đi mạng sống khi không cần thiết
  • Có một tinh thần mạnh mẽ, hoặc tinh thần bất khả chiến bại
  • Trung thành với trường của bạn
  • Luôn hoàn thành điều bạn bắt đầu

Như bạn có thể thấy, lòng trung thành và sự tôn trọng đóng một vai trò lớn trong võ thuật.

6.2. Khiêm tốn / Chính trực, 염치

Nguyên tắc này của Taekwondo liên quan đến cách bạn đối xử với mọi người. Cho dù bạn là một võ sư giỏi hơn đối thủ của bạn thì bạn cũng không nên tự cao về điều đó. Người võ sư là người nên biết giữ cho bản thân được trung thực, khiêm tốn, hạ mình để có được sự tôn trọng.

6.3. Kiên trì, 인내

Các học viên cần có sự kiên trì thì mới học được Taekwondo. Bản thân học viên cũng cần thử thách bản thân để tự cải thiện mình, cả về cơ thể và tâm trí. Khi bạn đã khởi đầu một điều gì đó thì hãy cố gắng đi hết đoạn đường, đừng bỏ dở.

6.4. Tự kiểm soát, 극기

Biết tự kiểm soát sẽ đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích theo các cách khác nhau. Về mặt tinh thần, bạn sẽ học được cách sống có trách nhiệm. Cũng như vậy, bạn học được làm sao để kiềm chế sự nóng nảy của mình, hạn chế nổi giận, tôn trong người khác, cả trong những tình huống khó khăn.

Về thể chất, bạn học cách kiểm soát cơ thể của bản thân. Bạn sẽ học cách vung một cú đấm đầy uy lực nhưng vẫn có khả năng dừng cú đấm đó cách mục tiêu 2 cm theo đúng quy định, là người có thể kiểm soát tình hình và biết làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân và đối thủ.

6.5. Tinh thần bất khuất, 백절불굴

Nguyên tắc cuối cùng của Taekwondo có thể là một trong những điều hữu ích nhất, đó chính là tinh thần bất khuất. Khi đối mặt với một tình huống khó khăn trong cuộc sống, bạn có thể sợ hãi, lo lắng, nhưng bạn cũng biết bản thân sẽ là người có khả năng xử lý nó. Không chạy trốn mà đối diện với vấn đề, đó là cách để bạn có thể tận hưởng cuộc sống một cách đúng nghĩa.

7. Lợi ích của Taekwondo

Về thể chất, người học viên, dù là người già hay người trẻ, dù luyện tập nhẹ nhàng hay nặng nhọc đều sẽ trở nên khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Người võ sư phát triển sức chịu đựng tuyệt vời, học được cách tự vệ, tăng cơ bắp, tăng khả năng phối hợp,…

Đó là về thể chất, còn về trí tuệ thì sao? Taekwondo có thể giúp tăng sự tự tin, tự chủ, tự quyết, lãnh đạo, tình đồng chí, thái độ tích cực, rèn luyện trí óc. Nó sẽ dẫn đến một lối sống hòa hợp hơn. quan trọng nhất, Taekwondo có thể làm giảm căng thẳng! Nếu bạn gặp bực tức trong ngày ư, hãy xả nó lên những tấm đệm luyện tập đi!!

8. Tip quan trọng khi luyện tập

Taekwondo là môn thể thao tập trung chủ yếu vào tác dụng của đôi chân, chính vì vậy mà đây chính là bộ phận mà các bạn cần phải chú ý nhất và phải cố gắng duy trì được độ linh hoạt và dẻo dai. Học viên cần phải kéo giãn gân cốt mỗi ngày, vì nếu bạn không làm quy trình khởi động này một cách cẩn thận ư? Nguy cơ bạn bị chấn thương trong khi luyện tập, thi đấu sẽ là rất cao đó.

Khi đá chân, các bạn không nên đá quá cao ngay từ ban đầu mà nâng dần độ cao của những cú đá, các bạn cần kéo giãn hông, bắp đùi, nhóm cơ xương chậu và gân khoeo,…

Nguyên tắc cơ bản của Taekwondo, đó chính là dựa trên sự thống nhất giữa các yếu tố như hơi thở, chuyển động của cơ thể, độ căng của cơ bắp và lí trí. Các yếu tố tác động lên nhau, vậy nên các bạn đừng coi thường hay quá coi trọng một yếu tố mà bỏ quên những gạch đầu dòng còn lại.

Nếu các bạn thấy hứng thú với môn quốc võ của Hàn Quốc thì hãy đi tập thử xem sao nhé!

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.