Thi Đại học tại Hàn Quốc khác gì ở Việt Nam?!?

Hôm nay, ngày 25/06, cũng là ngày thi chính thức đầu tiên của kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thống ở Việt Nam. Vậy còn thi Đại học tại Hàn Quốc thì sao? Có thi vào mùa hè nóng đến bỏng người như ở nước ta hay không? Bạn nào đang tò mò thì đọc giải khuây nhé 😉

Bài viết tham khảo:

1. Nguồn gốc của những kỳ thi

Suneung - Kỳ thi Đại học tại Hàn Quốc giống và khác kỳ thi tại Việt Nam ở điểm gì?

Suneung – Kỳ thi Đại học tại Hàn Quốc giống và khác kỳ thi tại Việt Nam ở điểm gì?

Tính đến năm 2019, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Việt Nam đã tổ chức được qua 45 mùa phượng nở, trải qua không biết bao nhiêu lần cải cách và sửa đổi. Từ trước năm 2015, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và Thi Đại học (hay còn gọi là thi Tú tài) ở nước ta là 2 kì thi riêng biệt. Chỉ khi bạn đủ điểm tốt nghiệp cấp 3 mới được phép thi đại học.

Nghe thì có vẻ to tát nhưng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp qua các năm luôn ở mức 99% trên cả nước. Do tính chất mất thời gian và thủ tục của nó mà từ năm 2015 trở đi, Bộ Giáo dục nước ta đã quyết định gộp hai đợt thi này vào làm một và gọi chung là “Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia” mà các bạn thấy hiện nay.

Vậy Thi Đại học tại Hàn Quốc thì sao? Kì thi này còn có tên gọi là Kỳ thi Suneung (Tiếng Hàn là: 대학수학능력시험), cũng mang tính chất chứng nhận tư cách tốt nghiệp sau 12 năm học của học sinh và đồng thời lấy kết quả làm căn cứ xét điểm vào các trường Đại học.

Suneung Exam có nguồn gốc từ kì thi công chức xưa của người Hàn, nhưng kỳ thi Đại học chính thức được tổ chức lần đầu tiên tại đất nước này là vào năm 1960. Trải qua 6 thập kỉ cùng rất nhiều lần sửa đổi cũng như bị hoãn lại do nhiều lí do, thì cuộc thi hiện nay có được là dựa trên lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 1994.

2. Sửa đổi xong thì hiện nay cơ cấu thế nào?

2.1. Thời điểm thi

Diễn ra vào tháng 6 hàng năm, vào thời điểm nóng nhất hàng năm cũng là lúc học sinh cuối cấp tại Việt Nam rủ nhau đi thi. Ví dụ như vào năm nay, kì thi được tổ chức từ ngày 24/06 đến ngày 27 cùng tháng. Tuy nhiên kỳ thi Đại học tại Hàn Quốc lại thường được tiến hành vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 11. Nhưng trong năm 2019 này, kì thi sẽ được tổ chức vào ngày 14 tháng 11, ngày thứ Năm thứ hai của tháng.

2.2. Về số lượng các môn

  • Tại Việt Nam có 3 môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn trong tập hợp 6 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Công dân. Các bạn sẽ phải thi tối thiểu là 4 môn và thi thêm nếu trường Đại học theo nguyện vọng của bạn yêu cầu. Tuy nhiên các môn hiện nay đều được tổ chức dưới hình thức trắc nghiệm, chỉ trừ môn Văn là vẫn được ra đều dựa trên các câu hỏi tự luận.
  • Tại Hàn Quốc: các bạn bắt buộc phải thi 6 môn, lần lượt là: Quốc ngữ, Toán học, Tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc, Môn Thay thế số 1 (Nghiên cứu Xã hội, Khoa học, Thi nghề) và Môn Thay thế số 2 (Ngoại ngữ 2/Tiếng Trung Quốc)

2.3. Cách tổ chức, xếp lịch

  • Ở Việt Nam: kỳ thi được tổ chức trong vòng 4 ngày. Ngày đầu tiên để tập hợp và xử lý giấy tờ của thí sinh. Những ngày sau, mỗi môn thi được tổ chức trong vòng nửa buổi.
  • Ở Hàn Quốc: cả 6 môn được tổ chức thi trong cùng 1 ngày, thi và nghỉ xen kẽ, liên tiếp trong vòng 9 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều.

Chà, như thế thì thi theo kiểu Việt Nam vẫn nhẹ nhàng, dễ thở hơn nhỉ?

3. Những hoạt động kéo theo trong ngày này

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT cấp quốc gia luôn thu hút được sự chú ý của nhiều người

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT cấp quốc gia luôn thu hút được sự chú ý của nhiều người

a/ Món ăn

Nếu theo quan niệm của một bộ phận người dân nước ta, các bạn học sinh sẽ được gia đình cho ăn các món đồng âm như “đậu”, “đỗ” và tránh ăn các món như “trứng”, “chuối” trong ngày thi thì các bạn học sinh Hàn cũng được thưởng thức một món bùa may mắn có tên là “Yut”. Thực ra Yut là một loại bánh gạo dẻo, mang ý nghĩa chúc các em sẽ “dính” vào trường Đại học mà mình mong muốn.

b/ Cầu nguyện

Nơi cầu nguyện phổ biến nhất cho các sĩ tử là Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nhưng nếu các bạn không thể lên Hà Nội thì các chùa chiền, miếu mạo khác cũng không thiếu các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đến cầu chúc may mắn và đỗ đạt.

Tại Hàn Quốc, nhiều ngôi chùa, nhà thờ cũng tổ chức thắp nến cầu nguyện cho các em.

c/ Độ nhiệt tình của các bậc phụ huynh

Có lẽ các bậc làm cha làm mẹ ở đâu cũng vậy, ngoài việc đưa con đến tận cổng trường, đảm bảo con mình đến thi đúng giờ thì các bậc phụ huynh cũng không ngại ngần nắng nôi chờ con ngoài cổng trường và chuẩn bị cơm nước, đầy đủ dinh dưỡng.

Các bậc phụ huynh tại Hàn còn chuẩn bị cả băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa, đánh trống cổ vũ.

d/ Bảo vệ, Hỗ trợ và An ninh

Nếu bạn đã quen với hình ảnh cổng trường Việt Nam ngày thi bỗng dưng xuất hiện thật nhiều công an và các anh chi sinh viên tình nguyện thì bạn sẽ còn bất ngờ hơn đối với sự chuẩn bị của người dân Hàn Quốc trong ngày này:

  • Lực lượng cảnh sát, taxi sẵn sàng hỗ trợ hộ tống cho các thí sinh có khả năng đến muộn
  • Các sàn chứng khoán, ngân hàng mở cửa muộn để tránh ùn tắc giao thông. Ở Việt Nam thì các bạn sẽ di chuyển từ sớm để tránh bị tắc đường.
  • Các công trường xây dựng bị tạm ngừng hoạt động vì khả năng tiếng ồn khiến học sinh mất tập trung
  • Cấm các chuyến bay thương mại trên toàn quốc, đặc biệt là vào khung giờ bài Nghe (Listening) của bài kiểm tra Tiếng Anh

4. Một số đặc điểm khác về Kỳ thi Đại học tại Hàn Quốc

Người Hàn Quốc coi kỳ thi Suneung là bước đầu tiên (và cũng gần như là cuối cùng) để một cá nhân bước tới thành công. Kết quả thi không chỉ quyết định việc bạn sẽ học trường Đại học nào, mà còn quyết định cả sự nghiệp và người bạn đời tương lai của bạn.

Hầu hết các giáo viên tại đây cho rằng nếu các bạn học sinh Hàn thất bại trong kì thi Suneung, họ sẽ thất bại trong suốt phần đời còn lại. Vì vậy, đa số người Hàn đều tin rằng nếu vượt qua kì thi này, tương lai sẽ thực sự tươi sáng hơn.

Để với tới cái “tương lai tươi sáng” ấy, người Hàn Quốc nào cũng phải khổ luyện trong suốt quãng đời đi học của mình, đặc biệt là học sinh cấp trung học. Sáng dậy sớm đến trường, khoảng thời gian học + ăn ở trường của các bạn chiếm cả thảy 10 tiếng/ngày.

Khi học xong rời trường, các bạn lại lũ lượt kéo đến các lớp học thêm và các trung tâm luyên thi đến 10h, 11h đêm. Về tới nhà, tự học hoặc học gia sư, có thể đến 1 hoặc 2 giờ sáng các bạn mới có thể kết thúc ngày dài của mình.

Người Hàn Quốc quan niệm “tứ lang ngũ lạc”:

Còn tại Việt Nam thì sao? Mình không nói rằng các bạn học sinh tại nước ta học hành thi cử không áp lực. Nhưng dần càng có nhiều người nhận ra con đường dẫn tới thành công không nhất thiết phải đi qua một ngôi trường Đại học.

Tại Việt Nam, các bạn còn có con đường du học, học nghề, học ngoại ngữ, học Trung cấp, Cao đẳng rồi liên thông lên, đi làm sớm,… Một số trường Đại học cũng đã tự đưa ra tiêu chuẩn xét tuyển riêng mà không phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia (như điểm phẩy 3 năm, khả năng ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa,…). Chính vì vậy, học là tốt, nhưng đừng quá áp lực bản thân với kết quả của một kỳ thi.

Chúc các bạn tự tin và làm hết sức, dù cho đó là bài test nào của cuộc đời!

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.