11 LƯU Ý về quy tắc ứng xử tại Hàn Quốc

Khi di chuyển sang một quốc gia mới, bạn phải thích nghi, nhiều khi là phải chấp nhận các quy tắc ứng xử của người dân tại khu vực đó. Trường hợp này đặc biệt đúng với Hàn Quốc, một quốc gia Đông Á nhiều phép tắc, phong tục, phân biệt thế hệ, giai cấp rõ ràng.

Bài viết tham khảo:

1. Bắt tay

Bắt bằng cả hai tay là một cách thể hiện sự tôn trọng với người đối diện

Bắt bằng cả hai tay là một cách thể hiện sự tôn trọng với người đối diện

Người Hàn Quốc tuân theo một hệ thống phân bậc xã hội mà chủ yếu được quyết định dựa trên tuổi tác. Tuy nhiên trong lần đầu tiên gặp mặt, bạn không thể nào biết chính xác tuổi của mọi người, vì vậy bạn cũng không biết phải chào người đối diện như thế nào cho phải phép.

Người Hàn Quốc phân biệt rất rõ ràng trong vấn đề bắt 1 tay hay bắt bằng cả 2 tay. Nếu như bạn là người lớn tuổi hơn hay thuộc cấp trên, chủ động bắt một tay với người nhỏ tuổi hơn thì đó là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên nếu thực hiện theo chiều ngược lại thì đó lại bị coi là bất lịch sự.

Lúc này, để an toàn, bạn nên dùng cả 2 tay để bắt tay với một người bạn mới gặp mặt lần đầu. Tương tự thực hiện điều này khi bạn nhận quà hay vật gì từ người khác. Bạn có thể nghĩ đây là chi tiết nhỏ nhưng thực sự nó mang ý nghĩa lớn lắm đấy.

2. Rót rượu

Có thể nói rằng “đi nhậu” cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Hàn Quốc. Tuy nhiên, khác với ở Việt Nam, chúng ta có thể tự rót bia rượu cho bản thân thì ở Hàn, điều này gần như là cấm kỵ.

Vậy muốn uống rượu, chúng ta phải làm sao? Lúc này, bạn sẽ rót rượu cho người khác và như một cách đáp lễ, người đó cũng sẽ rót rượu mời lại bạn. Cũng như quy tắc ứng xử ở trên mà bạn nên rót rượu bằng cả hai tay thay vì chỉ dùng một.

Tất nhiên, nếu “bạn nhậu” của bạn là bạn bè quen thân, ít tuổi hơn hoặc là cấp dưới thì bạn có thể dùng 1 tay. Nếu không chắc chắn thì bạn biết cần phải làm gì rồi đó.

3. Viết bằng bút đỏ/mực đỏ

Không viết tên người bằng mực đỏ là một trong những quy tắc ứng xử tại Hàn

Không viết tên người bằng mực đỏ là một trong những quy tắc ứng xử tại Hàn

Người Hàn Quốc, cũng như người dân nhiều nước Châu Á, quan niệm viết tên một người mà sử dụng mực đỏ là điềm xui. Dù đó chỉ là một hủ tục mê tín, nhưng nhiều người tin và kiêng kị một cách nghiêm ngặt điều đó.

Điều này cũng có nguồn gốc từ xa xưa, khi mà người Hàn Quốc viết tên của người đã khuất trong gia đình và phông bạt trong đám ma bằng mực đỏ. Những linh hồn xấu được quan niệm là ghét mực đỏ nên phong tục người xưa dựa vào đó mà xây dựng nên.

Vì vậy, các bạn khi viết tên, nhớ tránh sử dụng mực đỏ ra nha.

4. Xưng hô đính kèm tên gọi

Gọi đúng tên và sử dụng đúng danh từ ngôn xưng là một trong những cách để bạn thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện, đặc biệt là trong xã hội tôn trọng thứ bậc như người Hàn. Không giống như Việt Nam, khi người ta gọi nhau bằng tên đầu, người Hàn Quốc chưa thân quen sẽ xưng với nhau bằng họ.

Bạn chỉ có thể đổi từ họ thành tên khi được đối phương cho phép và đã trở nên cực kì thân thiết. Vì vậy, cách xử lý ngắn gọn nhất là bạn hỏi trực tiếp đối phương rằng họ muốn được gọi như thế nào. Câu trả lời của họ chính là cách mà bạn sẽ gọi đối phương sau này, ít nhất là cho đến khi họ đồng ý để bạn gọi họ bằng tên đầu hoặc biệt danh.

5. Chỗ ngồi dành cho người khuyết tật, người già và phụ nữ đang mang thai

Nhường ghề ưu tiên cũng là một trong những quy tắc ứng xử tại Hàn Quốc

Nhường ghề ưu tiên cũng là một trong những quy tắc ứng xử tại Hàn Quốc

Phương tiện công cộng tại Hàn Quốc sở hữu chất lượng hàng đầu thế giới. Tất cả mọi thành phần trong xã hội Hàn đều sử dụng loại phương tiện này vì sự tiện lợi và dễ tiếp cận của chúng.

Để phục vụ cho những đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, người già và phụ nữ có thai, trên xe buýt và tàu điện ngầm thường có các khu vực dành riêng, còn được gọi là 노약자석. Bạn phải đặc biệt để ý những khu vực này và không được tự tiện ngồi kể cả khi có ghế trống.

Thực tế, trên xe buýt, bạn vẫn có thể ngồi vào những chiếc ghế này kể cả khi bạn không thuộc các đối tượng được liệt kê ở trên, nhưng chắc chắn bạn phải đứng lên nhường ghế khi có người cần. Đó là quy tắc ứng xử tối thiểu khi bạn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

6. Sụt sịt mũi

Khỏi phải nói, tiếng một người bị tắc mũi xì ra, khịt vào là một trong những tiếng động khó chịu nhất mà mọi người phải nghe. Người Hàn cũng có chung suy nghĩ như vậy, đặc biệt là ở xung quanh khu vực bàn ăn.

Vì vậy, nếu bạn cần phải xì mũi, bạn nên xin phép cả bàn và đi vào nhà vệ sinh rồi hẵng xì nhé.

7. Quy tắc bàn ăn

Bạn không nên ăn nếu người lớn tuổi nhất bên bàn ăn chưa tới

Bạn không nên ăn nếu người lớn tuổi nhất bên bàn ăn chưa tới

Khi mọi người cùng quây quần bên bàn ăn, đừng tự động ngồi vào rồi cầm đũa lên ăn. Hãy nhìn mọi người xung quanh xem họ đã ăn chưa hẵng. Trừ khi bạn là người lớn tuổi nhất, còn không thì bạn nên đợi.

Ăn đúng giờ là một thói quen tốt. Nhưng bên cạnh đó, người Hàn cũng rất coi trọng người lớn tuổi bên bàn ăn. Vì vậy, nếu không chắc chắn về tuổi của mọi người trong bàn, bạn nên đợi ai đó bắt đầu trước thì hẵng cầm đũa lên ăn. Cẩn thận cũng không thừa phải không nào?

8. Cảm ơn

Nhiều người nước ngoài sang Hàn Quốc chưa từng học qua Tiếng Hàn. Người Hàn Quốc cũng thường không mong đợi người nước ngoài biết sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình. Nhưng nếu chỉ học những câu cơ bản như “Xin chào”, “Xin lỗi” và “Cảm ơn” thì các bạn nên học vì đây là các câu giao tiếp thông dụng.

Tiếng Hàn sử dụng nhiều dạng giao tiếp dựa trên hệ thống thứ bậc, vì vậy các bạn ít nhất nên học câu cảm ơn theo phong cách lịch sự, thường kết thúc với đuôi “세요”.

9. Vợ và Chồng tại Hàn Quốc

Người Hàn rất coi trọng việc sử dụng danh xưng sao cho đúng, vì vậy nếu người nam giới tự xưng với bạn là “Ông Kim” thì bạn có thể sử dụng cái tên này để gọi người đàn ông đó. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận vì không phải lúc nào vợ của “Ông Kim” cũng là “Bà Kim” đâu.

Vì cũng giống như tại Việt Nam, khi hai người kết hôn, chỉ có đứa con đi theo họ của bố còn người vợ vẫn được giữ lại họ của mình. Vì vậy, điều các bạn nên làm là trước khi xưng hô nên hỏi tên tuổi và gọi đúng danh xưng.

10. Nắm bắt cơ hội

Đi chơi với người Hàn mở rộng mối quan hệ của bạn tại đất nước này

Đi chơi với người Hàn mở rộng mối quan hệ của bạn tại đất nước này

Nếu bạn đang ở Hàn Quốc, đừng bỏ qua cơ hội đi chơi với người Hàn. Đi đâu cũng được, dù là đi ra ngoài với mục đích giải trí hay đi cùng với mục đích làm ăn, kinh doanh thì bạn cũng nên “say Yes”! Bởi nếu như bạn chỉ tìm hiểu về Hàn Quốc thông qua sách báo, internet và các phương tiện gián tiếp khác thì các bạn sẽ chỉ nhìn được một mặt của vấn đề.

Chỉ khi trải nghiệm và tiếp xúc trực tiếp với người Hàn Quốc thì bạn mới có thể mở ra được những góc nhìn mới về văn hóa cũng như những quy tắc ứng xử tại đây. Không chỉ vậy, bạn còn có thể để lại ấn tượng tốt trong mắt bạn bè, đồng nghiệp Hàn, khám phá thành phố và mở rộng cơ hội kết bạn.

11. Cách đưa và nhận danh thiếp

Khi bạn trao đổi danh thiếp với người khác, thì phản xạ đầu tiên của bạn là cho nó vào túi hoặc viết ghi chú lên đó. Nhưng đừng làm vậy! Danh thiếp tại Hàn Quốc khi được đưa cho một người trang trọng như thế nào thì khi các bạn nhận cũng phải lịch sự và trang trọng như thế.

Bạn nên làm gì: Khi bạn nhận danh thiếp lần đầu, hãy đón lấy bằng hai tay. Hãy nhìn nó trong một khoảng thời gian ngắn (từ 5 đến 15 giây), cố gắng đọc hết. Sau đó, bạn hãy để danh thiếp lên mặt bàn trước mặt nếu bạn ngồi xuống, chú ý không nên để card bị bẩn hãy cong trước mặt người đưa danh thiếp.

Hi vọng bài tổng hợp này sẽ giúp bạn thích ứng với cuộc sống tại Hàn, giúp bạn không bị sốc văn hóa khi sang đây.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.