Lạ lùng Cách tính tuổi của người Hàn Quốc

Gần đây Cách tính tuổi của người Hàn Quốc đang là chủ đề được bàn tán nhiều, đặc biệt là trong nội bộ quốc gia này do một dự luật mới được đề xuất, yêu cầu hủy bỏ cách tính tuổi truyền thống này. Vậy chính xác cách tính tuổi của người Hàn là như thế nào? Tại sao lại cần phải loại bỏ? Các bạn hãy tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

Bài viết tham khảo:

1. Lạ lùng Cách tính tuổi của người Hàn

Cách tính tuổi của người Hàn Quốc gây nhiều khó khăn và hiểu nhầm trong cuộc sống

Cách tính tuổi của người Hàn Quốc gây nhiều khó khăn và hiểu nhầm trong cuộc sống

Có hai đặc điểm chính sau đây khiến cách tính tuổi của người Hàn gây ra nhiều tranh cãi:

  • Thứ nhất, đó là Trẻ em khi vừa sinh ra đã được 1 tuổi.

Nếu như các bạn đã quen với cách tính tuổi mụ của người Việt Nam thì điều này cũng xảy ra tương tự với trẻ em ở đất nước Hàn Quốc. Theo cách tính tuổi truyền thống này, trẻ em nào khi vừa sinh ra cũng đã được coi là đã 1 tuổi. Khoảng thời gian nằm trong bụng mẹ, kéo dài 9 tháng 10 ngày, lúc này được làm tròn thành 1 năm.

Tuy nhiên vấn đề cũng chẳng phức tạp lắm nếu như chỉ là cộng thêm 1 tuổi như tuổi mụ của Việt Nam phải không? Việt Nam cũng tính suốt mà có sao đâu. Vấn đề sẽ nằm ở đặc điểm thứ hai, đó chính là:

  • Cứ sang năm mới là bạn lại lên một tuổi

Nếu như theo cách tính tuổi quốc tế (tức là cách tính tuổi dương), các bạn sẽ thêm 1 tuổi nếu như qua sinh nhật đúng không? Tuy nhiên người Hàn cứ bước vào ngày 01/01 hàng năm là lại hồ hởi chúc mừng nhau đã thêm 1 tuổi.

Vậy tức là sao? Tức là có những trường hợp cá biệt dành cho những đứa trẻ sinh vào cuối năm. Mình có thể lấy ví dụ trong trường hợp bé A vô tình sinh vào ngày 29/12/2018. Tức là:

+ Vào ngày 29/12/2018: Bé sinh ra đời là bé đã được 1 tuổi

+ Sang ngày 01/01/2019: Xin chúc mừng bé lên 2 tuổi nha

Điều này làm cho bé A có khả năng phải đi học với các bạn, về lý thuyết là bằng tuổi, mà thực chất là đã già dặn và trưởng thành hơn. Nhiều bố mẹ buồn phiền vì chẳng hiểu sao bé lại sinh ra vào cuối năm trong khi bác sĩ dự đoán rằng bé sẽ sinh ra vào đầu năm.

2. Các vấn đề nảy sinh từ cách tính tuổi này

Trên thực tế, có nhiều vị cha mẹ lên kế hoạch để sao không sinh con vào những ngày cuối năm. Khi đã lỡ rồi thì còn có nhiều bậc phụ huynh, sinh con vào cuối năm mà đợi đến tận đầu năm mới đi làm giấy khai sinh cho con.

Người Hàn Quốc khi trưởng thành, nếu được hỏi về tuổi, họ thường khai cả tuổi Hàn lẫn tuổi quốc tế, kèm theo lời giải thích cho những ai chưa hiểu vấn đề. Và trong khi tuổi mụ tại Việt Nam chỉ là cách tính dân gian, không ảnh hưởng đến tuổi pháp lý của cá nhân thì hai hệ thống tính tuổi cùng tồn tại song song tại Hàn Quốc đã gây ra nhiều tình huống khó xử, bất tiện cùng nhầm lẫn (ví dụ như trong độ tuổi đi học hay đối tượng để tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự,…).

3. Động thái của Chính phủ Hàn Quốc cùng Ý kiến người dân

Hiện nay, đang có nhiều lo ngại rằng cách tính tuổi truyền thống khiến cho đất nước Hàn Quốc tụt hậu so với thế giới và gây khó khăn cho các trẻ sinh vào cuối năm. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia áp dụng cách tính tuổi truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên cũng đã xoay sang sử dụng cách tính tuổi quốc tế.

Gần đây, vào tháng 04/2019, Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, ông Hwang Ju-hong cũng đã đưa lên một bản dự luật với chủ đề chính là yêu cầu chính phủ đưa tuổi quốc tế của một cá nhân vào các văn bản, giấy tờ tùy thân chính thức. Đồng thời dự luật khuyến khích công dân sử dụng tuổi quốc tế của mình.

Đây có thể được coi là nỗ lực chính thức đầu tiên để hủy bỏ cách tính tuổi truyền thống của người Hàn Quốc, nhằm giải quyết những khó khăn và cách làm việc thiếu hiệu quả do sử dụng nhiều hệ thống tính tuổi khác nhau cùng một lúc.

Nhiều người Hàn cũng ủng hộ cách tính tuổi quốc tế. Xóa bỏ cách tính tuổi truyền thống thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Có đến 92% số người được hỏi đồng tình với việc chuẩn hóa cách tính tuổi để thông tin cá nhân trên giấy tờ được thống nhất và thuận tiện cho công việc.

Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi nhất định về cách tính tuổi truyền thống do lịch âm vẫn là một phần quan trọng của văn hóa Châu Á. Tuy việc này không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng vẫn thể hiện ý kiến của phần đông người dân Hàn Quốc về vấn đề này.

Đây cũng là một phần lí do vì sao người Hàn nói riêng và người Châu Á nói chung vẫn luôn hỏi năm sinh của nhau trong những lần đầu gặp mặt. Không phải vì mọi người bất lịch sự, mà ngược lại, là vì mọi người muốn biết phải xưng hô với nhau như thế nào cho phải phép.

Nếu bạn biết người Hàn nào, hãy hỏi lại xem tuổi họ nói với bạn là tuổi Hàn hay tuổi quốc tế nhé!

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.