Hàn Quốc ra thông báo: 3600 người mất việc nếu công dân Hà Tĩnh không đầu thú

Sau khi có mặt tại trường đào tạo của Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc được 1 ngày, Nguyễn Công Đan (trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián, Nghi Xuân) lập tức bỏ trốn. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi có thể phía Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH sẽ “liệt” lao động Nghi Xuân vào danh sách cấm sang xứ sở Kim Chi làm việc.

Chương trình có thể bị tạm dừng hoặc gián đoạn

“Tới đây, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam họp bàn về chương trình EPS. Rất có thể chương trình sẽ bị tạm dừng hoặc gián đoạn” – Trưởng phòng Lao động – Việc làm Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Đặng Văn Dũng dự báo.

Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động – Việc làm Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh

Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động – Việc làm Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh

Dự báo của Trưởng phòng Lao động – Việc làm Đặng Văn Dũng hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) được triển khai từ năm 2004 nhưng đến năm 2011 đã buộc phải dừng vì lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp quá nhiều.

Hệ lụy, từ 2011-2015, cả nước không có một trường hợp nào được sang làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS. Đáng nói là trong số lao động bất hợp pháp ở xứ Kim Chi, Hà Tĩnh chiếm gần 60% (gần gấp đôi mức bình quân chung của cả nước là 35%), tương ứng 1.336 lao động. Trong đó, Nghi Xuân 475 lao động, Cẩm Xuyên 199 lao động và Lộc Hà 80 lao động…

Nhìn lại những năm từ 2004-2011, bình quân cả nước có khoảng 10.000 – 12.000 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Riêng Hà Tĩnh, hàng năm có từ 1.000 – 1.200 lao động xuất khẩu sang đất nước Kim Chi. Nếu tính thu nhập bình quân mỗi lao động gửi về nước 200 triệu đồng, thì toàn bộ nguồn thu từ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc dao động từ 200 – 250 tỷ đồng/năm.

Sau sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016, Chính phủ Hàn Quốc tái khởi động chương trình EPS vào cuối năm 2016 nhằm giúp lao động Việt Nam ở các tỉnh bị ảnh hưởng có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống. Sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, ngày 12/6 vừa qua, 661 lao động Việt Nam đã xuất cảnh sang Hàn Quốc. Trong số này, Hà Tĩnh có 350 người được các doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết nhưng mới chỉ có 228 người xuất cảnh. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày có mặt tại xứ Kim Chi, ngày 13/6, Nguyễn Công Đan lập tức bỏ trốn ra ngoài gây “sốc” cho nhiều người.

Đặc biệt chịu thiệt thòi trước hết là với 2.126 con em Hà Tĩnh vừa trải qua kỳ thi tiếng Hàn trong 2 ngày 17, 18/6/2017 đang thấp thỏm chờ đợi kết quả để tìm đến “miền đất hứa” với hy vọng đổi đời. Việc Nguyễn Công Đan bỏ trốn khiến chương trình đưa 3.600 lao động sang Hàn Quốc trong năm 2017 (không kể 661 lao động đã xuất cảnh) đứng trước nguy cơ bị đổ bể.

Điều đáng nói nữa là chương trình xuất khẩu lao động thuyền viên tàu gần bờ sang Hàn Quốc hiện nay cũng đã “quay lưng” với lao động cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng khi lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều.

Sớm điều tra, làm rõ việc lao động bỏ trốn

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Tiến phân tích: Chương trình EPS có rất nhiều ưu điểm nổi bật. Sau 3 năm làm việc, người lao động (từ 18-39 tuổi) được phép gia hạn thêm 1 năm 10 tháng mới kết thúc hợp đồng. Nếu làm việc tốt (không đổi doanh nghiệp) và về nước đúng theo hợp đồng, lao động có thể quay trở lại sau 3 tháng mà không cần trải qua kỳ thi tiếng Hàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Tiến

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Tiến

“Với chi phí 630 USD cho toàn bộ chuyến đi trong khi thu nhập bình quân mỗi tháng trên 1.000 USD, lẽ ra, người lao động phải nhận thức rõ giá trị của cơ hội này và chấp hành nghiêm các quy định để tạo điều kiện cho chính mình và hàng ngàn lao động khác. Điều đáng buồn là dù đã phân tích, tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng tình trạng lao động Nghi Xuân bỏ trốn chẳng những không chấm dứt mà còn phát sinh một trường hợp hy hữu vừa sang đến nơi đã bỏ trốn như lao động Nguyễn Công Đan”.

Tìm hiểu về nguyên nhân Nguyễn Công Đan bỏ trốn, theo các nguồn thông tin có được từ gia đình và địa phương nơi lao động này sinh sống, có thể đặt nghi vấn là do vấn đề sức khỏe. “Đan bị bệnh viêm gan B” – Trưởng thôn Nam Mới Trương Công Hoàn cho biết.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Nhàn – mẹ Đan từng nói: “Đan nhiều lần làm thủ tục nhưng mãi đến ngày 12/6 mới đi được”. Nhiều người đặt giả định: Đan đã tìm được kẽ hở trong công tác khám sức khỏe lao động để được đi xuất khẩu, vì vậy, vừa đặt chân đến “xứ người” đã vội vàng lẩn trốn để tránh bị trục xuất vì sức khỏe!? Cũng có ý kiến cho rằng, không loại trừ nguyên nhân Đan bỏ trốn để tìm một việc làm có thu nhập cao hơn.

Được biết, trong tháng 6 này, đoàn công tác gồm đại diện ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ sang Hàn Quốc điều tra, làm rõ việc lao động Nguyễn Công Đan bỏ trốn. Báo Hà Tĩnh sẽ cập nhật tới bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc này.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.