Căng thẳng Hàn Quốc – Nhật Bản: Bên nào được lợi?

Căng thẳng Hàn Quốc – Nhật Bản trong những ngày gần đây đang là chủ đề nóng được quan tâm, không chỉ đối với người dân hai quốc gia này mà còn với cả giới công nghệ và kinh tế thế giới.

Bài viết tham khảo:

1. Nguyên nhân ban đầu của cuộc chiến thương mại

Căng thẳng Hàn Quốc - Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Căng thẳng Hàn Quốc – Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Nhật Bản, kể từ ngày 04/07 đã bắt đầu áp dụng các lệnh hạn chế xuất khẩu một loạt các nguyên liệu tối quan trọng đối ngành sản xuất các thiết bị công nghệ điện tử của Hàn Quốc. Lệnh cấm này giáng một đòn lớn xuống ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc, về lâu dài sẽ khiến nền kinh tế của xứ sở kim chi thêm phần điêu đứng.

Căng thẳng Hàn Quốc – Nhật Bản từ xưa đến nay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân đa dạng khác nhau. Tuy nhiên lần này, kể cả khi đang mang danh là “cuộc chiến thương mại”, nhưng sâu xa lại đến từ những tranh cãi trong lịch sử của cả hai nước.

Ngọn lửa nhen nhóm từ khoảng tháng 10 năm 2018, khi mà Tòa án Cấp cao của Hàn Quốc sau khi xét xử đã tuyên bố rằng Tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động bắt buộc của Hàn Quốc vì những gì đã xảy ra trong Thế Chiến thứ 2.

Nhật Bản phản đối lại với phán quyết này, cho rằng vấn đề nêu trên đã được giải quyết triệt để vào năm 1965 khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao. Hai bên còn tiếp tục ký thỏa thuận nhằm giải quyết vụ việc này vào năm 2015, dưới thời chính quyền bà Park Geun-hye. Nhưng Seoul sau đó đã tuyên bố thỏa thuận này vẫn còn thiếu sót.

2. Những chất mà Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc là những chất nào?

Nhật Bản yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với 3 nguyên vật liệu quan trọng:

  • Nhựa nhiệt dẻo: fluorinated polymide: sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh
  • Chất cản màu (photoresist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao và được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn.

Các công ty Nhật Bản hiện nay đang kiểm soát 90% thị trường nhựa nhiệt dẻo sử dụng cho tấm màn hình và 70% khí ăn mòn (etching).

Trong đó các công ty Hàn Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản đối với cả 3 loại vật liệu này. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nước này đã nhập khẩu 94% fluorinated polyamides và 92% photoresists từ Nhật. Điều này khiến cho những tập đoàn lớn như Samsung và LG hiện nay khó có thể sản xuất được màn hình OLED linh hoạt (loại màn hình có thể cong phẳng tùy ý).

Theo hạn chế mới, các công ty Nhật Bản giao dịch với Hàn Quốc sẽ phải tìm kiếm sự chấp thuận cho từng hợp đồng để xuất khẩu nguyên liệu cụ thể cho các khách hàng (bao gồm một danh sách các đại gia Hàn Quốc như Samsung Electronics Co., SK Hynix Inc. và LG Display Co). Như vậy quá trình xuất khẩu sẽ bị kéo dài thêm 90 ngày.

Nhật cũng xem xét loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” bao gồm 27 nước (phần lớn là thành viên của NATO) mà nước này sẽ giao thương.

3. Phản ứng của phía Hàn Quốc trên bàn ngoại giao

Mối quan hệ giữa hai nước đương nhiên là đang bị tổn thất một cách nặng nề. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo trả lời trước báo chí rằng Hàn Quốc sẽ nộp đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do nước này cho rằng Nhật Bản đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại này.

Không chỉ là mối quan hệ hữu hảo gây dựng lâu năm mà lệnh cấm còn tác động trực tiếp lên ngành công nghệ của Hàn Quốc, nơi sở hữu những công ty tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nhật Bản thực thi quy định siết chặt xuất khẩu ba loại vật liệu cần thiết cho sản xuất chip bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. FKI nhấn mạnh kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965, doanh nghiệp Hàn – Nhật đã liên tục mở rộng giao lưu kinh tế trên tinh thần “chủ nghĩa thực dụng hướng tới tương lai”.

Giới doanh nghiệp lo ngại động thái của Tokyo sẽ có thể gây tổn hại tới mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương. FKI hối thúc chính phủ cả hai nước nhanh chóng hàn gắn quan hệ, vì sự thịnh vượng chung trong tương lai, đồng thời giới doanh nghiệp hai bên cùng phải nỗ lực hết sức phục vụ sự hợp tác kinh tế và phát triển quan hệ.

4. Phong trào tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc

Phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc

Phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc

Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang khi người dân Hàn Quốc nhanh chóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm nhập khẩu như ô tô, bia và mỹ phẩm của Nhật Bản. Trên website Nhà xanh của Chính phủ Hàn Quốc, ngay lập tức có một bản kiến nghị kêu gọi trả đũa với Tokyo, tẩy chay hàng Nhật Bản, thu hút được 17,000 người ủng hộ trong vòng 4 ngày.

Hiện nay gần 67% người Hàn nói rằng họ sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm có nguồn gốc Nhật Bản. Không chỉ dừng lại tại các sản phẩm vật chất, ngay cả nền công nghiệp du lịch của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.

Có những cá nhân, gia đình dự định đi du lịch Nhật đã chủ động hoãn lại tour hoặc thay đổi địa điểm, từ Nhật Bản sang một quốc gia khác như Việt Nam. Một số khác cũng đang xem xét hủy tour.

Theo số liệu thống kê được công bố thì trong năm 2018, có 7,5 triệu người Hàn đã đến Nhật Bản trên tương quan 3 triệu người Nhật sang Hàn chơi.

Tỉ lệ hoãn tour tại 1 trung tâm du lịch của các tour du lịch sang Nhật tại Hàn, trong khoảng thời gian từ 01/07 đến 09/07 năm nay là 63%, lúc cao nhất là 80%. Ở một địa điểm khác có tới 5,706 người hoãn trong số 7,537 người đăng ký đi tour.

5. Tự hủy hoại lẫn nhau

Nếu như Nhật Bản là nhà cung cấp thì Hàn Quốc lại là thị trường. Thị trường không có nhà cung đã chết, nhà cung không có thị trường cũng không thể yên. Nhiều chuyên gia kinh tế ở Hàn Quốc cho biết, nếu như Hàn Quốc nhập khẩu nguyên liệu của Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn, thì chất bán dẫn sau đó lại được đem bán ngược lại cho Nhật Bản.

Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài thì còn có thể gây ra ảnh hưởng đối với nguồn cung chip toàn cầu trong ngành điện tử các nhà sản xuất smartphone khác như Apple, Huawei. Chưa kể, Hàn Quốc – Nhật Bản đánh nhau, rất có thể Trung Quốc sẽ là nước lấp vào chỗ trống nguồn cung chip và chất bán dẫn đang còn thiếu đó.

Lợi thế chính trị mà Trung Quốc sẽ có được trên các bàn đám phán trong bối cảnh này, đặc biệt là nếu Trung Quốc thực hiện liên minh với 1 trong 2 nước. Có thể nói, chừng nào Nhật Bản và Hàn Quốc còn đối đầu nhau thì không bên nào có thể có lợi cả.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.