Văn hóa Salon thịnh hành trong giới trẻ Hàn Quốc

Trong những năm trở lại đây, giới trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là khối dân văn phòng đang rất ưa chuộng văn hóa salon. Nhưng văn hóa salon là gì? Và tại sao nó lại thịnh hành trong đời sống của người trẻ Hàn Quốc? Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bài viết tham khảo:

1. Văn hóa Salon là gì?

Văn hóa Salon tại Hàn Quốc là gì?

Văn hóa Salon tại Hàn Quốc là gì?

Chắc các bạn đã từng nghe thấy từ “salon” trong những cụm từ như “cửa tiệm làm tóc” hay “salon làm đầu”, tuy nhiên “văn hóa salon” tại Hàn thì lại không phải vậy đâu nha các bạn. Cụm từ này thực chất lại có nguồn gốc từ nước Pháp xa xôi, xuất hiện từ những năm thuộc thế kỷ 18, nhằm ám chỉ một nơi để những con người tri thức và những nghệ sĩ tụ họp lại, giao lưu, kết nối và chia sẻ kiến thức.

Sau 3 thế kỉ, ý nghĩa của cụm từ này vẫn gần như được giữ nguyên, nay phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30, như một cách để thư giãn và thỏa mãn nhu cầu phát sinh bên ngoài công việc.

2. Các salon vận hành như thế nào?

Hầu hết các salon hiện nay vận hành theo quy mô của một nhóm hay một lớp học nhỏ, nhưng không hoạt động theo kiểu 1 người nói và số còn lại phải nghe mà hoạt động trao đổi thông tin qua lại giữa các thành viên. Hầu hết các salon đều yêu cầu mọi người phải nộp phí để tham gia và mỗi lần nộp phí sẽ có giá trị kéo dài trong vòng từ 3 đến 4 tháng.

Thường các salon dạng này sẽ họp mặt chính thức 1 tuần 1 lần. Cũng có những salon tổ chức thêm những lần gặp mặt không chính thức dành cho những cá nhân muốn chia sẻ, trò chuyện mà không muốn hay không thể đi theo lịch cố định hàng tuần của hội.

3. Mục đích của Văn hóa Salon

Các salon sinh ra, mục đích đầu tiên và quan trọng nhất, đó chính là nhằm thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân và học hỏi thêm về những lĩnh vực mà một cá nhân yêu thích.

Kim Nan-do, một giáo sư trực thuộc Trường Đại học Quốc gia Seoul chuyên nghiên cứu về xu hướng của người tiêu dùng, nói rằng trong cuốn sách của ông có tựa đề là “Trend Korea 2019” (tạm dịch là “Xu hướng của Hàn Quốc năm 2019”) có đề cập rằng “mọi người sẽ càng ngày càng chi tiêu nhiều tiền để trải nghiệm và tiếp tục đến nhiều cuộc gặp mặt (salon) khác nhau để tìm thấy và định hình được con người mình”.

Thực chất trong quá khứ, người Hàn Quốc thường mong muốn được hòa nhập, trở thành một phần của đám đông, tập thể trong môi trường làm việc. Cống hiến tận tụy và hết mình cho công việc được coi là một đức tính tốt. Tuy nhiên, cuộc sống càng hiện đại thì người Hàn Quốc càng nhận ra tầm quan trọng của việc sở hữu một đời sống cá nhân bên ngoài nơi làm việc. Và các salon hiện nay chính là cách để người Hàn, đặc biệt là những người đang đi làm, khám phá và tìm về cái tôi cá nhân bên ngoài công việc đó.

4. Nguyên nhân khiến Văn hóa Salon trở nên thịnh hành tại Hàn

4.1. Thay đổi trong quan niệm

Người dân Hàn Quốc dần quan tâm hơn đến nhu cầu chăm sóc bản thân

Người dân Hàn Quốc dần quan tâm hơn đến nhu cầu chăm sóc bản thân

Những thay đổi trong môi trường làm việc đã thúc đẩy nhiều người lao động tìm kiếm các hoạt động và địa điểm để đầu tư, phát triển những mối quan tâm của bản thân.

Ngày xưa, hầu hết mọi người không biết sở thích của mình là gì. Họ chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là làm việc thật chăm chỉ và tiết kiệm được thật nhiều tiền. Nhưng giờ đây đầu tư vào bản thân đang dần trở thành một động lực quan trọng hơn.

Có những người tham gia lớp học này nhằm tìm lại sở thích khi xưa của mình, nhiều khi đã mất đi sau khi đi làm. Cũng có những người lại muốn học hỏi kiến thức chuyên môn của một lĩnh vực, ngành nghề khác, như một luật sư có thể tham gia tìm hiểu về các câu chuyện và mô hình kinh doanh thành công, thất bại như thế nào.

Nhiều khi thật là khó để gặp mặt những người đang công tác tại chuyên ngành khác. Lại càng khó hơn để tìm được đồng nghiệp có mối quan tâm giống mình, chia sẻ những câu chuyện mà bản thân cần và muốn nghe.

4.2. Thể hiện bản thân

Thông qua salon, đã có những người là dân công sở đi làm nhưng vẫn có thể đứng đầu một chương trình triển lãm nghệ thuật. Bản thân những salon trao cho các cá nhân khả năng tìm hiểu về những kiến thức chuyên môn chẳng liên quan tẹo nào đến công việc hiện tại của họ.

Hầu hết những công việc tại công ty mang tính chất ra lệnh, người làm thường bị thụ động. Còn trong những buổi họp tại salon, những cá nhân này lại có thể tự lên kế hoạch và tự tổ chức, thực hiện các kế hoạch đó.

Tham gia các nhóm này cũng được coi là một cách để giảm stress và trở nên sáng tạo hơn trong công việc hàng ngày.

4.3. Mở rộng thế giới quan

Thông qua hoạt động hội nhóm, các bạn sẽ thấy thế giới rộng lớn và đa dạng hơn. Một nhóm tuy có thể chỉ bao gồm 5 người khác nhau, nhưng mỗi người lại mang những kiến thức chuyên ngành khác nhau. Mỗi nhóm lại có thể thực hiện các dự án như làm tình nguyện, thực hiện chương trình hướng dẫn cho những cá nhân đang có nhu cầu,…

Dự định của một số tổ chức salon quy mô lớn là ước mơ được mở rộng ra hệ thống ra các nước trong tương lai, ví dụ như Việt Nam và Singapore,…

4.4. Thay đổi trong quy định pháp luật

Một số nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc cho hay, kể từ khi chính sách làm việc 52 tiếng/tuần chính thức được áp dụng, công ty của họ đã cho công ty về sớm và về đúng giờ hơn. Lúc này tồn tại khoảng thời gian rảnh rỗi sau khi tan sở mà một trong những hoạt động hiệu quả để tận dụng khoảng thời gian này, đó là tham gia vào các salon.

Có những người tự thấy hối tiếc khi bản thân đã dùng quá nhiều thời gian ngồi bên bàn nhậu mà không tham gia vào salon sớm hơn, để thay vì những câu chuyện tám, họ có thể ngồi đàm đạo với những người có kiến thức, kết thêm bạn và mở rộng mối quan hệ xã hội.

5. Sự phát triển Văn hóa Salon tại Hàn Quốc hiện nay

Tại Hàn Quốc hiện nay có rất nhiều các mô hình được xây dựng trên nền tảng của salon, có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như: 2gyosi (tên gọi dựa trên cụm từ chỉ kỳ học thứ 2 ở trường), “munto” (các salon tập trung chủ yếu vào sở thích cá nhân),…

Cộng đồng 2gyosi là nơi cung cấp các buổi hẹn chia sẻ sở thích cá nhân dành cho nhân viên văn phòng. Những cuộc gặp có chủ đề thay đổi, tùy theo nhu cầu của từng thành viên, từ câu lạc bộ sách, thử rượu, board game cho đến leo núi, viết nhật ký,… Một số lớp học có độ dài tương đương với một học kỳ, diễn ra trong khoảng 3 tháng. Tuy nhiên cũng có một số lớp ngắn hạn chỉ diễn ra 1 lần.

Một dạng nữa của “salon xã hội” là “munto”, tập trung hơn vào các sở thích cá nhân. Thường các nhóm tụ họp này có tiêu đề như “Hướng dẫn cho bản thân”, “Salon Rượu”, “Công thức Phim ảnh”, “Câu lạc bộ Nhạc Jazz Thứ 6”,…

Môi trường tại các salon này thường cởi mở, không gò bó. Nếu như tại các học viên tồn tại các mục tiêu cụ thể, những lớp học cố định và những bài kiểm tra thì tại salon lại không có những quy định như vậy. Nếu như tại các lớp học khác, học viên không mấy khi nói chuyện với nhau thì tại salon các thành viên trao đổi với nhau hết sức cởi mở.

Các học viên không chỉ coi trọng những kiến thức sẽ linh hội mà họ còn coi trọng cả trải nghiệm. Một công thức nấu ăn có thể biến đổi, thử nghiệm với nhiều nguyên liệu khác nhau, cách gia giảm gia vị khác nhau. Các thành viên trong salon sẽ thử đồ ăn của nhau và cùng làm nên một bữa ăn.

Người Hàn Quốc luôn quan niệm bản thân đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đã được đặt sẵn, vô cùng gò bó. Có được sở thích và mối quan tâm cá nhân là tiến trình tự vấn bản thân những câu hỏi:

  • Bản thân tôi thích cái gì?
  • Tại sao tôi lại thích nó?
  • Cái nào là lựa chọn tốt hơn cho bản thân?

Họ đang cố thoát ra khỏi một cái mác cố định. Đây là nhu cầu tối thượng và đặc biệt quan trọng trong xã hội đương đại – nhu cầu được thể hiện bản thân. Các salon tại Hàn hiện nay đem lại cho các thành viên cảm giác khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Văn hóa salon cho phép người trẻ Hàn Quốc chọn lọc thông tin họ muốn học trong xã hội có quá nhiều thông tin như hiện nay. Có những thứ chúng ta có thể tự học nhưng học theo nhóm đem lại niềm vui và chất lượng thông tin chân thực và đa dạng hơn, đặc biệt là khi bạn có thể chia sẻ đam mê của mình với những người cùng chung sở thích khác.

Văn hóa salon không chỉ là cách học giáo điều một chiều. Đây là cách để mở rộng kĩ năng và cải thiện bản thân. Con người ta tìm kiếm những mối kết nối, sao không thử tìm những mối nối qua văn hóa salon?

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.