Vui chơi Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc

Hôm nay là ngày mùng 05 tháng 05 âm lịch là Ngày Diệt Sâu bọ tại Việt Nam và cũng là Ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc. Tuy có cùng một cái tên nhưng ngày lễ này của hai nước có rất nhiều đặc điểm khác nhau. Các bạn hãy cùng đọc xem trong ngày này người Hàn làm gì, ăn gì nhé!

Bài viết tham khảo:

1. Nguồn gốc Ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc

Ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc cũng rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch

Ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc cũng rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch

Ngày Tết Đoan ngọ tại Hàn Quốc còn được gọi Lễ hội “Dano” (Tiếng Hàn là: 단오) hay “Suritnal”. Đây là một ngày lễ, không chỉ chính thức, mà còn có lịch sử lâu đời, xuất hiện từ 1000 năm trước của xứ sở kim chi. Bên cạnh dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu thì Tết Đoan ngọ là một trong những mốc thời gian có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất đối với người dân nơi đây.

Người Hàn Quốc luôn coi trọng và duy trì những giá trị và hoạt động văn hóa của dịp tết một năm mới có một lần này. Tiêu biểu nhất cho hoạt động văn hóa trong ngày này diễn ra tại thành phố Gangneung ở vùng Gangwon-do. Lễ hội Gangneung Dano (Tiếng Hàn: 강릉단오제) đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

2. Các đặc trưng của ngày lễ này

2.1. Ý nghĩa Ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn

Tuy Ngày Tết Đoan ngọ là một nét đặc trưng của các nước Á Đông, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên,… nước nào cũng có nhưng ở mỗi nước lại mang những ý nghĩa khác nhau. Ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch tại Hàn Quốc, người ta tổ chức các hoạt động ăn chơi nhằm tượng trưng cho sức mạnh và sự cường tráng, cầu nguyện cho một mùa màng bội thu không bị sâu bệnh phá hoại.

Theo quan niệm của người Hàn Quốc cổ, ngày Tết Đoan ngọ là một ngày của các nghi lễ thờ cúng các vị thần linh trên trời, kỉ niệm lễ kết thúc mùa gieo hạt. Ở các vùng phía bắc, các loài sinh vật bắt đầu thức giấc sau giấc ngủ đông.

2.2. Các hoạt động trong ngày

Các thiếu nữ Hàn sẽ gội đầu với thứ nước đun với lá cây diên vĩ

Các thiếu nữ Hàn sẽ gội đầu với thứ nước đun với lá cây diên vĩ

Tết Đoan ngọ của người Hàn là ngày để mọi người hưởng thụ, hát ca, nhảy múa, ăn thật nhiều và uống rượu thật nhiều. Đây là thời điểm người dân thư giãn và chuẩn bị cho một giai đoạn mới, tổ chức các nghi lễ thờ cúng thần linh, cầu mong cho một mùa màng bội thu, không có thiên tai, sâu bệnh.

Trong ngày này, những cô gái Hàn sẽ thực hiện tục gội đầu bằng lá cây diên vĩ. Người Hàn tin rằng, nếu bạn dùng nước cây diên vĩ đun sôi để gội đầu sẽ khiến tóc bạn suôn mượt và óng ả hơn. Mọi người sau đó mặc những bộ đồ với tông màu chủ đạo là màu đỏ và xanh. Những chiếc cặp tóc cũng được nhuộm đỏ bằng rễ cây diên vĩ.

Đó là trang phục của người phụ nữ, còn những người đàn ông Hàn, họ sẽ cuốn rễ cây xung quanh thắt lưng. Người ta tin rằng làm như vậy sẽ xua đuổi được các tà ma và các linh hồn dữ sẽ không thể làm hại bạn.

2.3. Trò chơi dân gian hấp dẫn

Trò chơi dân gian được tổ chức rất nhiều trong ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn. Người dân Hàn có các trò chơi như đu quay, bập bênh truyền thống, nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng cần cả sự khéo léo. Do đó, chúng là trò chơi thường phổ biến trong phái nữ.

Nam giới Hàn Quốc còn thử sức mình với trò chơi đấu vật (tên gọi là “Ssireum” hay 씨름). Bạn chỉ có thể hạ đo ván người đối diện khi bạn vật được đối phương xuống đất, không có bộ phận nào của người này được cao hơn đầu gối của bạn. Người nào thắng cuộc có thể sẽ được thưởng cả một con bò.

Ngoài ra, người Hàn Quốc còn tổ chức nhiều tiết mục biểu diễn mặt nạ Ttal đặc sắc và vui nhộn, đảm bảo cho người tham gia có thể cảm nhận được hết tinh thần của lễ hội Dano. Các tiết mục biểu diễn mặt nạ này từng rất phổ biến trong giới thường dân, do đa số lời bài hát có ý nghĩa đả kích bộ phận quý tộc trong xã hội.

2.4. Món ăn truyền thống

Nếu như người Việt Nam trong Ngày Tết Đoan ngọ sẽ rủ nhau ăn rượu nếp cẩm, các loại hoa quả và thịt vịt thì người Hàn cũng có những thức ăn đặc trưng trong ngày lễ đặc biệt này. Cụ thể có thể kể đến hai loại bánh là Suritteok và Yaktteok, có nguyên liệu chính là làm từ gạo, lá cây và các loại hạt:

  • Món Suritteok: được chế biến từ gạo không dính, được nấu chín cùng lá ngải cứu để có được thứ bánh dẻo dẻo màu xanh, tạo hình thành bánh xe xinh xắn (do trong cái tên “Suritnal” có từ “suri”, có nghĩa là “bánh xe”)
  • Món Yaktteok: cũng có nguyên liệu chính là gạo không dính, nhưng được nấu với các loại hạt khác nhau, hình dáng bánh cũng đa dạng hơn và là đặc sản vùng phía nam tỉnh Jeolla.

Nếu các bạn đang ở Hàn vào thời điểm này, hãy hòa mình vào bầu không khí lễ hội đang có tại đây nhé!

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.