Những Ngôi trường “Ưu tú” – Ước mơ của mọi nhà?

Nếu như các bạn học sinh cấp 3 tại Hàn đang phải đấu tranh phấn đấu được vào các trường Đại học thì các em học sinh cấp 2 tại đây cũng có một cuộc đua khác – cuộc đua để vào được những ngôi trường “ưu tú”.

Bài viết tham khảo:

1. Những Ngôi trường “Ưu tú” là những ngôi trường nào?

Trường Quốc tế Hàn Quốc (THPT) là một trong những ngôi trường ưu tú tại Hàn Quốc

Trường Quốc tế Hàn Quốc (THPT) là một trong những ngôi trường ưu tú tại Hàn Quốc

Thực ra cụm từ những ngôi trường ưu tú chỉ là cách gọi ngắn gọn của những ngôi trường Trung học Phổ thông (THPT) Tư thục, có chất lượng giáo dục và học sinh hàng đầu Hàn Quốc, đồng thời cũng được cho là con đường ngắn nhất đến với các trường Đại học top đầu tại quốc gia này.

Nếu không xét đến lịch sử hình thành thì những ngôi trường “ưu tú” có thể chia ra làm 2 loại: Trường Tư thục được hình thành với Mục đích Đặc biệt và Trường Tư thục Tự chủ. Tính đến năm 2017, trong tổng số tất cả 2,500 trường THPT trên toàn xứ sở kim chi thì chỉ có

  • 23 Trường Tư thục Tự chủ
  • 06 Trường ngoại ngữ
  • 01 Trường quốc tế

Tức là chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số các trường cấp 3 tại đây. Tuy nhiên theo công bố của Trường Đại học Quốc gia Seoul – một trong 3 trường đại học top đầu Hàn Quốc, thì trong năm 2014 có đến 45% học sinh trường chấp thuận trong đợt xét tuyển sớm là học sinh đến từ các trường học “ưu tú” kể trên.

11% trong số 1,959 các thẩm phán được chỉ định trong giai đoạn 2003 – 2013 cũng tốt nghiệp từ 5 trường THPT Ngoại ngữ ở Seoul. Những con số này cho thấy việc được vào học tại một trường ưu tú là bước đầu tiên để tiến vào tầng lớp cao trong xã hội.

Chính vì vậy mà số lượng học sinh đăng ký vào học tại đây tăng dần qua các năm dù mức học phí luôn rất cao.

2. Những Ngôi trường “ưu tú” này có mặt từ khi nào?

Nếu muốn nói về khởi điểm của tất cả thì chắc phải đi ngược lại từ những năm 1984, khi mà ngôi trường THPT Ngoại ngữ Daewon được thành lập. Đây là ngôi trường đào tạo chuyên về Ngoại ngữ đầu tiên của Hàn Quốc. Sau quá trình hình thành của mình thì vào cuối những năm 1980, ngôi trường này trở thành một cách để các bạn học sinh có thể vào được các trường đại học danh tiếng của Hàn.

Đến những năm 1990, các trường Ngoại ngữ tương tự như trên trở thành những “Trường Mục đích Đặc biệt”. Một số trường tư bắt đầu nêu ra những lớp học chuyên ngoại ngữ hay những lớp học chuyên khoa học nhằm lôi kéo học sinh vào trường. Các trường tư thục với mục đích đặc biệt trở thành các trường thuộc top cao.

Phải đến năm 2001, thì loại hình còn lại – “Trường Tư thục Tự chủ” mới được hình thành. Những ngôi trường này về sau chịu ràng buộc của Chính phủ Hàn Quốc, 5 năm sẽ bị thanh tra 1 lần.

3. Tại sao đã “tự chủ” rồi còn chịu sự ràng buộc của Chính phủ?

3.1. Cung cách xét tuyển

Chắc các bạn cũng dễ dàng nhận ra vấn đề, trường cấp 3 tốt, hứa hẹn vào được trường Đại học tốt thì phụ huynh, học sinh sẽ càng ngày càng đổ dồn về đây. Trên thực tế, những ngôi trường tư thục tổ chức xét tuyển sớm hơn những ngôi trường THPT bình thường.

Nếu như những ngôi trường cấp 3 khác xét tuyển vào nửa cuối của năm thì những trường “ưu tú” đã xét tuyển từ nửa đầu cùng năm đó. Điều đáng quan tâm thứ 2, đó là việc những ngôi trường này thường chọn nhiều hơn từ 1,5 đến 2 lần so với mức chỉ tiêu cần thiết của trường, dựa trên điểm số của những năm học cấp 2.

Sau đó trường sẽ tổ chức quay số ngẫu nhiên để chọn thí sinh hoặc tổ chức phỏng vấn và xét duyệt thêm dựa trên các hoạt động ngoại khóa. Như vậy để các bạn thấy được rằng, chỉ những học sinh giỏi nhất và năng động nhất mới có thể lọt vào trường. Phương pháp này cũng vô tình tạo ra một áp lực cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt lên vai các em.

3.2. Những tiêu cực kèm theo

Tuy nhiên cứ có cung thì sẽ có cầu, mà không đủ cầu thì sẽ có tiêu cực. Trong quá khứ, đã có rất nhiều những vụ tiêu cực bị phanh phui như hối lộ, tham nhũng liên quan đến những quan chức lớn, những tập đoàn lớn đã từng bị phanh phui, mà nguyên nhân chính là để cho con cái có được suất đứng trong những ngôi trường “ưu tú” này.

Các trường chấp nhận học sinh vì danh thế mà không cần xét điểm số. Các trường THPT Tư thục Tự chủ đang dần đánh mất đi mục đích thành lập ban đầu – là việc cung cấp cho các em một môi trường giáo dục đa dạng, không dập khuôn.

Chính vì chưa đầy 2% ít ỏi này mà hệ thống các trường trung học phổ thông tại Hàn Quốc hiện nay đang bị phân chia thứ bậc. Ngay cả học sinh tiểu học bây giờ cũng phải chạy đua để có suất vào trường tốt. Phụ huynh đổ dồn về các trường top.

Các trường “ưu tú” xét tuyển và nhận học sinh xuất sắc sớm nên các trường bình thường khác không thể tuyển được học sinh giỏi. Ngay cả các học sinh từ những trường thông thường khác cũng tự phát sinh tâm lý tự ti, cho rằng mình kém cỏi hơn các bạn ở trường top trên.

3.3. Học phí quá cao – Đồng tiền quyết định Tất cả

Theo thông tin từ Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul vào năm 2015, học phí hàng năm của các trường tư thục nằm trong khoảng từ 4,6 triệu won đến 5,4 triệu won, cao hơn các trường bình thường 1,45 triệu won. Nhiều phụ huynh tin rằng chính vì nghĩ rằng vào những trường này rồi con em mình sẽ vào được các trường đại học danh tiếng nên họ mới chịu trả học phí cao và đắt đến vậy.

Khái niệm “Những bà mẹ Gangnam” cũng xuất hiện từ đây, ám chỉ những người phụ nữ có sức ảnh hưởng khu vực phía nam Seoul, dành rất nhiều tiền đầu tư cho con cái ăn học tại các cơ sở, trường học tư thục danh tiếng.

Tiền đương nhiên là 1 trong các yếu tố chính quyết định trong những cuộc chạy đua. Có một mối quan hệ không hề nhẹ trong mối quan hệ giữa sự giàu có, địa vị của bố mẹ trong xã hội và sức học của con cái.

3.4. Nợ nần chồng chất

Vấn đề đáng nói ở đây là, những ngôi trường “ưu tú” không chỉ là ước mơ của người giàu, nó còn là ước mơ của những gia đình có thu nhập tầm trung, không thực sự có khả năng chi trả cho tất cả chi phí. Nhiều hộ gia đình đã chuyển cả nhà cả cửa để gần hơn với những ngôi trường THPT Tư thục, để con cái được ở gần nhiều bạn học giỏi.

Tất nhiên, sau khi con cái vào Đại học, gia đình có thể chuyển về những khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn. Nhưng sau khi sống nhiều năm tại một trong những khu vực đắt đỏ nhất tại Hàn Quốc lại công thêm học phí cao, những món nợ và những rắc rối cũng đã đủ để “chuyển nhà” theo họ.

Nhiều người đến độ tuổi nghỉ hưu tại Hàn Quốc gặp khó khăn trong vấn đề tài chính mà nguyên nhân chủ yếu là do tiền tiết kiệm đã dồn cả vào chi phí học tập của con cái. Nếu con cái họ sau khi ra trường vẫn không thể kiếm được công việc tử tế thì sẽ thật vất vả.

Đầu tư vào giáo dục về lý thuyết sẽ khiến cho đất nước giàu mạnh hơn, nhưng trên thực tế lại có nhiều người nghèo và khó khăn hơn do cuộc đua “ưu tú”.

4. Cái nhìn và Chính sách từ Chính phủ cầm quyền

Chính quyền dưới thời của Tổng thống Moon Jae-in quyết tâm sẽ bình thường hóa những ngôi trường ưu tú này để đem lại sự công bằng trong giáo dục của Hàn Quốc. Đây cũng là cam kết mà ông đưa ra trong quá trình tranh cử.

Ngay trong ngày thứ Năm tuần trước (20/06), chính quyền sở giáo dục ở tỉnh Bắc Jeolla và Gyeonggi cũng đã quyết định tước đi giấy phép hành nghề của hai trường Trung học phổ thông Sangsan và THPT Ansan Dongsan, chỉ trích hai trường này trong việc hoạt động không đúng mục đích và tiêu chuẩn đã đề ra.

Mặc dù chính phủ sẽ tiếp tục tìm cách để hủy bỏ các trường THPT tư thục tự chủ, tuy nhiên tiến trình vẫn cần phải hợp lý. Những trường vẫn đang vận hành đúng theo mục đích ban đầu khi thành lập sẽ đủ điều kiện đỗ bài đánh giá, nhưng những trường đã gây nên cuộc tranh đua vào các trường Đại học danh giá, đi ngược lại mục đích ban đầu, sẽ bị đánh trượt và mất giấy phép hoạt động.

Có tất cả 46 trường THPT tự chủ trên toàn quốc, với 13 trường ở Seoul, sẽ được lên lịch đánh giá lại và công bố kết quả trong tháng sau.

Hàn Quốc tự thấy bản thân cần thay đổi để hướng gần hơn đến xu hướng toàn cầu hóa nhưng có lẽ đó vẫn còn là cả một chặng đường dài.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.