Ngày Nhà giáo Hàn Quốc: Giáo viên Hàn có vui không?

Có lẽ một số bạn cũng biết, hai ngày trước, tức ngày 15/05, chính là Ngày Nhà giáo Hàn Quốc. Ngày Nhà giáo tại Hàn thì có gì khác với Ngày Nhà giáo ở Việt Nam hay không? Những mảng khuất phía sau một ngày lễ lớn là gì? Hãy đi tìm câu trả lời trong bài viết ngày hôm nay nhé!

Bài viết tham khảo:

1. Giới thiệu chung về Ngày Nhà giáo Hàn Quốc

Ngày Nhà giáo Hàn Quốc có nguồn gốc từ những năm 1960

Ngày Nhà giáo Hàn Quốc có nguồn gốc từ những năm 1960

Ngày Nhà giáo Hàn Quốc được tổ chức vào ngày 15/05 hàng năm, có cách viết trong Tiếng Hàn là: 스승의 날. Nguồn gốc của ngày lễ này quay ngược trở lại từ những năm 1960, mà cụ thể ở đây là năm 1963. Câu chuyện được bắt đầu từ thủ đô Seoul, khi một nhóm các thành viên trẻ trực thuộc tổ chức Chữ Thập Đỏ đã cùng nhau đi thăm những người thầy cô cũ đang bị ốm của họ trong bệnh viện.

Những chuyến thăm này theo thời gian dần bị biến đổi và trở thành một ngày lễ trong năm được tổ chức vào ngày 26/05. Tuy nhiên vào năm 1965, Ngày Nhà giáo Hàn Quốc chuyển thành ngày 15/05 để kỉ niệm cùng dịp với ngày sinh của Nhà vua Sejong Vĩ Đại – người mà đã sáng lập nên bảng chữ cái tiếng Hàn.

Xứ sở kim chi đã từng ngừng tổ chức ngày lễ này trong khoảng thời gian từ năm 1973 cho đến tận năm 1982, nhưng sau đó đã được tổ chức đều đặn cho đến tận ngày nay.

2. Các hoạt động thường thấy trong Ngày Nhà giáo Hàn Quốc

Ngày này là ngày mà học sinh Hàn trao cho thầy cô của mình những bông hoa cẩm chướng

Ngày này là ngày mà học sinh Hàn trao cho thầy cô của mình những bông hoa cẩm chướng

Vào Ngày Nhà giáo Hàn Quốc, học sinh Hàn sẽ sử dụng một loài hoa vô cùng đặc biệt để bày tỏ lòng thành kính của mình đối với các thầy cô giáo, đó chính là loài hoa cẩm chướng. Mình nói loài hoa này đặc biệt vì nó không chỉ mang tính biểu trưng cho ngày lễ (tại Việt Nam thì hoa nào tặng cũng được) mà đây cũng chính là loại hoa mà những đứa con trong gia đình sẽ đem về tặng bố mẹ trong ngày Cha mẹ tại Hàn Quốc (08/05).

Kèm theo những bông hoa tươi đẹp ấy chính là những tấm thiệp handmade do các bạn học sinh làm, bên trong là những lời nhắn nhủ bày tỏ tình cảm của các bạn với thầy cô. Nếu như ngày lễ được tổ chức theo quy mô của các trường Cao đẳng, Đại học thì các trường có thể còn tổ chức tiệc và liên hoan văn nghệ kèm đồ ăn. Nhà giáo tiêu biểu của năm cũng sẽ được xướng tên và trao giải.

3. Nạn hối lộ

a/ Thực trạng ngày trước

Nếu như Ngày Nhà giáo Việt Nam là một dịp “hợp lý” để một bộ phận phụ huynh “bồi dưỡng” cho các thầy cô giáo thì ngày này tại Hàn Quốc cũng đã từng được coi là một cơ hội như vậy.

Trong Ngày Nhà giáo Hàn Quốc, các trường thường chỉ hoạt động trong nửa ngày, nhiều trường còn cho học sinh nghỉ học cả ngày. Vì vậy nhiều phụ huynh sử dụng dịp lễ này như một cái cớ để đi tặng cho các thầy cô những món quà đắt tiền và đây có thể coi như là một hình thức hối lộ.

b/ Các biện pháp đối phó với nạn hối lộ

Một số trường đã sắp xếp các chuyến đi chơi hoặc đi dã ngoại cho các giáo viên như một hình thức phòng chống phụ huynh có thể tiếp cận thầy cô trong ngày này. Những biên pháp triệt để nhất chắc phải kể đến Bộ Luật Chống Tham nhũng Kim Yeong Ran chính thức đi vào hiệu lực vào năm 2016.

Bộ luật này áp dụng lên các đối tượng công chức, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nghị sĩ Quốc hội, người làm trong ngành báo chí, giáo viên các trường tư thục.

Những đối tượng này sẽ bị coi là vi phạm luật:

  • Nếu những người này nhận thiết đãi bữa ăn trên 30,000 won, quà tặng có giá trị trên 50,000 won, tiền hiếu hỉ trên 100,000 won thì sẽ bị xử phạt hành chính
  • Nếu giá trị của những khoản mục trên vượt quá 1 triệu won thì sẽ bị xử phạt hình sự

Mà các giáo viên là ai? Các giáo viên chính là công chức nhà nước, nằm trong phạm vi chịu sự điều chỉnh của bộ luật này. Vì vậy giáo viên Hàn hiện nay tuyệt đối không được nhận quà từ cá nhân học sinh, mời học sinh đi ăn hoặc nhận bữa ăn do học sinh mời. Giáo viên chỉ được nhận bó hoa hay tấm thiệp đại diện cho cả lớp, cả khoa gộp tiền vào mua.

Tại sao Hàn Quốc lại phải làm vậy? Thực chất thì bộ luật cũng chỉ sinh ra nhằm đảm bảo sự công bằng cho những học sinh, phụ huynh không có khả năng tặng quà hoặc mời giáo viên đi ăn trong ngày này, sẽ không còn phải lo lắng về quyền lợi của mình khi học, tránh sự thiếu minh bạch trong môi trường giáo dục.

4. Ngày Nhà giáo Hàn Quốc: Giáo viên Hàn có vui không?

Còn nhiều góc khuất chưa được nói đến trong ngày vui này

Còn nhiều góc khuất chưa được nói đến trong ngày vui này

Tuy nhiên trong không khí hân hoan, vui mừng đó, cũng có những góc khuất và những nỗi lòng của những con người đi làm nghề dạy chữ. Nếu như ở Việt Nam, các giáo viên có câu chuyện về việc dạy thêm, thu nhập nghèo nàn, phá bỏ hợp đồng, thất nghiệp tràn lan và bạo hành học sinh, thì tại Hàn Quốc, các thầy cô cũng có những câu chuyện của riêng mình.

Nghề giáo ngày xưa vốn là một cái nghề để người đời tôn trọng và các thầy cô được tự hào, ngẩng cao đầu vì bản thân đã lựa chọn trở thành một cá nhân trong cộng đồng đó.

Tuy nhiên ngày nay, có lẽ có 10 người thì phải đến 9 người cảm thấy mất tinh thần và niềm tin trong nghề. Đôi khi họ còn phải đối mặt với những ngôn từ xúc phạm và hành vi bạo lực đến từ phía học sinh và lời phàn nàn quá đáng của phụ huynh.

Theo như một kết quả khảo sát đối với 5,493 giáo viên của các cấp học, từ mẫu giáo đến đại học bởi Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (“Korean Federation of Teachers’ Asociations” hay KFTA), được công bố vào thứ 2 (ngày 14/05), có đến 87,4% số người được hỏi cho rằng tinh thần của họ đã bị giảm sút trong vòng từ 1 đến 2 năm trở lại đây.

Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, khi so sánh với năm 2009 là 55,3%, 2011 là 79,5% và 2015 là 75%.

Cũng theo như kết quả trong cuộc khảo sát này, 65,3% các giáo viên không cho rằng quyền của giáo viên đang được bảo vệ và tôn trọng trong môi trường trường học. Chỉ có 10,4% là cảm thấy được bảo vệ và tôn trọng.

Hơn một nửa người làm khảo sát việc xuống tinh thần gây nên việc thiếu hứng thú hay cảm hứng trong việc dạy học và hướng dẫn cho học sinh, cũng như làm giảm niềm tin đối với hệ thống giáo dục.

Các giáo viên cho biết phần khó khăn nhất của công việc là phải xử lý và phản hồi lại với lời than phiền đến từ phụ huynh (chiếm 55,5%). 48% nói rằng họ gặp khó khăn khi giảng dạy và xử lý học sinh mất trật tự/không tập trung,…

Giáo viên tin rằng việc giáo viên mất đi vị thế và quyền của mình tại trường học chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngày càng nhiều giáo viên tại Hàn Quốc tự nguyện nghỉ hưu sớm, nối tiếp sau là lời than phiền không ngừng tăng đến từ phía phụ huynh.

Nhiều giáo viên cũng nói rằng sự riêng tư của bản thân cũng bị xâm phạm vì số lượng cuộc gọi không ngừng nghỉ từ phụ huynh. Vấn đề mà những phụ huynh này gọi điện để hỏi chủ yếu là những yêu cầu về bài tập về nhà và hỏi thăm tình hình con cái trên lớp học, thường xuyên gọi sau giờ làm việc.

Theo như lần khảo sát của KFTA vào tháng 06 năm ngoái đối với 1,835 giáo viên từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học phổ thông,  thì có đến 96,4% giáo viên sẽ cho phụ huynh và học sinh số điện thoại của mình, và đồng thời trong đó có 95,8% tiếp nhận cuộc gọi và tin nhắn từ những phụ huynh và học sinh này.

64,2% trong số này nói rằng những tin nhắn và cuộc gọi có thể đến bất cứ lúc nào, không quan tâm dù đó là buổi tối, cuối tuần hay ngày nghỉ.

Trong trường hợp này, văn phòng giáo dục tại Seoul, tỉnh Nam Gyeongsang và tỉnh Nam Chungcheong lên kế hoạch để cung cấp cho giáo viên một chiếc điện thoại thứ hai với một số điện thoại riêng biệt chỉ để dùng trong giờ làm việc để liên lạc với phụ huynh và học sinh.

Số liệu từ Bộ Giáo dục cũng cho thấy giáo viên đang dần dần mất đi vị thế của mình, đặc biệt là trong môi trường giáo dục tiểu học. Tuy nhiên vấn đề này lại có xu hướng giảm dần tại các cấp học cao hơn.

Số lượng các vụ như thế này – học sinh xỉ nhục, bạo lực về thể xác, và nghiêm trọng hơn là quấy rối tình dục giáo viên, đã tăng từ 25 vụ trong năm 2014 lên 122 vụ trong năm 2018. Còn có cả những trường hợp đe dọa và phỉ báng giáo viên.

Sự suy giảm trong tinh thần hành nghề và quyền trên lớp của giáo viên sẽ dần dần dẫn đến sự thờ ơ và hoài nghi đối với hệ thống và các vấn đề giáo dục.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.