Mặt trái của nền giáo dục Hàn Quốc

Nền giáo dục Hàn Quốc vẫn hay được các quốc gia ca ngợi là nền giáo dục có chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên chất lượng và trình độ không phải là tất cả khi mà đằng sau ánh hào quang ấy là những góc khuất vẫn đang tồn tại, hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp lên học sinh, sinh viên của quốc gia này.

Bài viết tham khảo:

1. Suneung – Kì thi quyết định cả đời

Nền giáo dục Hàn Quốc vẫn còn nhiều mặt trái chưa được nói tới

Nền giáo dục Hàn Quốc vẫn còn nhiều mặt trái chưa được nói tới

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc được tiến hành theo mô hình 6 – 3 – 3. Tức là 06 năm tiểu học (tuổi từ 6 – 12), 03 năm trung học cơ sở (tuổi 12 – 15) và 03 năm trung học phổ thông (tuổi 15 – 18). Sau khi 12 năm học đó kết thúc thì điều đang chờ đón học sinh Hàn Quốc nơi phía cuối con đường chính là Suneung.

Suneung là tên gọi khác của kì thi lên đại học cấp quốc gia của nền giáo dục Hàn Quốc. Nó cũng tương tự như kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh Việt Nam vậy.

Và nếu như các bạn trẻ tại Việt Nam muốn được học tập bậc Đại học, Cao đẳng tại Hàn chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 với mức điểm từ 6 phẩy trở lên và có khả năng tài chính chút đỉnh thì học sinh tại Hàn Quốc phải trải qua một quá trình ôn thi khắc nghiệt, kéo dài trong nhiều năm, vừa vất vả, vừa tốn kém.

Vào ngày diễn ra kì thi đại học cấp quốc gia này, cả đất nước Hàn Quốc như lặng đi, theo đúng nghĩa đen. Các loại xe tải hạng nặng bị cấm đi lại trên đường, các cửa hàng mở cửa muộn để tránh làm ùn tắc giao thông, máy bay không được bay qua các địa điểm thi, đặc biệt là trong khoảng thời gian diễn ra phần nghe của bài thi Tiếng Anh,…

Học sinh thi liền tù tì 8 tiếng trong 1 ngày. Ai có khả năng bị trễ giờ thi có thể nhờ cảnh sát hộ tống miễn phí đến địa điểm mà mình cần. Phụ huynh tổ chức các buổi cầu nguyện, cầu mong cho con cái thi đỗ với kết quả tốt.

2. Suy nghĩ cắm rễ vào trong lòng xã hội

Suneung là kì thi chỉ diễn ra 1 năm 1 lần. Không biết mọi người đã biết chưa nhưng trong suy nghĩ cố hữu của đại bộ phận người dân Hàn Quốc tồn tại một dòng như thế này: Trường Đại học mà bạn theo học sẽ quyết định cuộc đời của bạn.

Cuộc đời của bạn trong dòng suy nghĩ này không chỉ để nói về nghề nghiệp bạn theo đuổi trong tương lai, mà còn ám chỉ cái nhìn của xã hội về bạn, vị thế của bạn trong xã hội và có thể là cả người bạn đời của bạn sau này.

Chính vì vậy, mục đích gần như duy nhất và sau cùng của nền giáo dục Hàn Quốc, nó không phải là để làm giàu cuộc sống (cả về vật chất và tinh thần), hoàn thiện bản thân mà dường như chỉ để có điểm thật cao và thi vào trường thật tốt, kể cả khi bạn không muốn và kể cả khi bạn không cảm thấy hạnh phúc.

3. Áp lực học hành thi cử

Học tập là một quãng đường dài đằng đẵng đối với học sinh tại Hàn, 12 năm học mà cảm tưởng như là dài hơn. Thực tế, cuộc đua thành tích bắt đầu từ cấp mẫu giáo, ngay cả việc chọn trường và cho các con học cũng đã mang tính chất cạnh tranh. Nỗi sợ về việc con mình sẽ bị tụt lại phía sau luôn ám ảnh các bậc phụ huynh.

Nhiều bậc phụ huynh luôn chăm chăm so sánh con mình với con người, thấy các bạn cùng lớp của con học môn này thì mình cũng phải cho con mình đi học vì lo sợ thiếu kém. Càng lớn lên, thời lượng và áp lực học tập cũng tăng dần đều.

3.1. Học thuộc lòng và Nhồi nhét

Khối lượng kiến thức các bạn học sinh Hàn phải tiếp thu là rất lớn. Những lúc như vậy, thời lượng giảng dạy chắc chắn không thể đủ để các bạn hiểu sâu vấn đề mình đang học. Vậy việc các bạn phải làm đó là làm gì? Học thuộc lòng và Học thuộc lòng. Quan điểm của mọi người, đó là cứ nhồi nhét hết bộ sách giáo khoa là các bạn sẽ có thể qua lớp.

Đặc biệt, học chuyên về thời lượng lý thuyết trên lớp thì nhiều mà các hoạt động thể chất, năng khiếu thì sẽ bị coi là không cần thiết. Giờ ra chơi ngắn ngủi kẹp giữa những ca học kéo dài hàng tiếng đồng hồ đơn giản là không thể đủ để học sinh hồi phục và nghỉ ngơi.

3.2. Hagwon – Những trung tâm dạy thêm tư nhân

Một số bạn có thể thấy khó tin, nhưng học sinh Hàn Quốc trung bình có thể học tối đa đến 15 tiếng mỗi ngày. Thời gian học trải đều ở trường và ở Hagwon để tìm hiểu những kiến thức không cần thiết trong cả tương lai lẫn công việc sau này. Bữa trưa và bữa tối được phục vụ ngay tại trường học.

Giờ học hàng ngày có thể chia ra làm 3 ca:

  • 8h30 – 4h chiều
  • 4h – 6h tối
  • 7h tối – 10h tối

Nhiều học sinh cấp 3 còn thuê cả gia sư đến nhà dạy sau khi đã đi học từ hagwon về và có thể học rất khuya, đến tận 1 – 2h sáng. Bố mẹ càng giàu, con càng có điều kiện học thêm và thuê gia sư, từ đó nâng cao khả năng vào các trường đại học top. Chi phí học tập cao như vậy chính là một trong những lí do tỉ lệ sinh tại Hàn Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Có đến 75% học sinh tại Hàn đi học tại 100,000 hagwon trên khắp Hàn Quốc. Theo luật chính thức thì các hagwon bị cấm hoạt động sau 10 giờ tối và nếu các lớp có dấu hiệu cố tình kéo dài thời lượng lớp học thì có thể bị thanh tra bởi các lực lượng chuyên biệt.

Học sinh trên lớp luôn ở trong tình trạng thiếu ngủ, ngủ gật và căng thẳng. Mục đích học tập được hướng tới cho học sinh đó là mọi người xung quanh đều là đối thủ cạnh tranh sau này. Điểm của tôi phải cao hơn điểm những người khác và bản thân nên đánh bại điểm số của bạn cùng lớp.

Ngay cả giáo viên trên lớp cũng không vui vẻ gì, các bạn có thể đọc thêm ở bài sau đây:

[Ngày Nhà giáo Hàn Quốc: Giáo viên có vui hay không?]

3.3. Tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên

Áp lực đạt được điểm cao trong các kì thi được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trầm cảm và tự tử tăng cao. Hàn Quốc là đất nước có tỉ lệ thanh thiếu niên tự tử cao nhất trên thế giới. Theo như Cục Thống kê Hàn Quốc, độ tuổi thực hiện hành động này tập trung phổ biến trong độ tuổi từ 9 đến 24 tuổi. Nguyên nhân tự tử có thể liệt kê: vấn đề trường học (39,2%), vấn đề gia đình (16,9%), khó khăn tài chính (16,7%) và cô đơn (12,5%).

Học sinh, sinh viên Hàn không thỏa mãn với cuộc sống của bản thân vì áp lực lớn từ việc học hành. Thực tế, hệ thống cạnh tranh của quốc gia ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi: khiến Hàn Quốc xếp hạng thấp trong độ hạnh phúc, thỏa mãn của người dân nhưng tỉ lệ tự tử luôn ở mức cao.

Vấn đề này thật sự thuộc về hệ thống giáo dục hay thuộc về cách nhìn nhận và hành xử của xã hội?

Chính phủ Hàn Quốc hiện nay đã ý thức được thực trạng áp lực trong nền giáo dục và đang tìm cách cải thiện. Điều mọi người đang muốn hướng lại nền giáo dục theo hướng sáng tạo, bình đẳng, học sinh cần được đánh giá dựa trên thế mạnh của mình chứ không nên quy tụ về cùng 1 tiêu chí nhất định, hướng tới sức khỏe, hạnh phúc và sự tự tin của mỗi cá nhân.

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.