Khu vực Thủ đô Seoul – Hơn 50% dân số Hàn Quốc đang sống ở đây

Có thể các bạn chưa biết nhưng theo số liệu được công bố mới nhất thì hơn 50% dân số Hàn Quốc đang sống tại khu vực thủ đô Seoul. Trong khi khu vực này chỉ chiếm hơn 1 phần 10 diện tích đất liền của cả xứ sở kim chi…

Bài viết tham khảo:

1. Hơn một nửa dân số Hàn Quốc đang sinh sống tại Khu vực Thủ đô Seoul

Hiện nay đang có hơn 50% dân số Hàn Quốc đang sinh sống tại khu vực Thủ đô Seoul

Hiện nay đang có hơn 50% dân số Hàn Quốc đang sinh sống tại khu vực Thủ đô Seoul

Khu vực thủ đô Seoul, trong tiếng Hàn còn được gọi là Sudogwon (수도권 hay vùng thủ đô) là khu vực bao gồm không chỉ thành phố Seoul mà còn có phạm vi bao trùm cả thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, nằm ở phía tây bắc của Hàn Quốc.

Do là khu vực thủ đô nên đây cũng chính là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của xứ sở kim chi. Từ sau năm 1960, dân số ở “Sudogwon” luôn theo đà tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cũng vì vậy mà lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng dân cư Hàn Quốc sinh sống bên trong khu vực thủ đô Seoul hiện nay đã đông hơn cả số lượng người dân sống tại tất cả các vùng còn lại. Thật vậy, khu vực này đã đạt tới đỉnh điểm của mật độ dân số.

Cụ thể, số liệu được công bố từ Cổng Thông tin Dịch vụ Thống kê Quốc gia của Hàn Quốc (tên quốc tế là “Korean Statistical Information Service (KOSIS)) cho thấy hiện nay có 50,001% dân số của cả đất nước Hàn Quốc đang sống tại khu vực thành phố Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi.

Trên thực tế, dân cư sinh sống trong nội đô Seoul trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhẹ so với thời kì trước đó, từ đỉnh điểm 10,6 triệu dân của năm 1990 xuống mức 9,72 triệu người trong năm 2019.

Tuy nhiên, mức giảm này không thể bù trừ khi mà dân số của tỉnh Gyeonggi tiếp tục tăng lên gần 13,24 triệu dân còn khu vực Incheon lại nằm ở mức 2,95 triệu dân. Đó chính là nguyên nhân chính vì sao số dân ở nội đô giảm mà tổng số người nằm tại khu vực thủ đô Seoul lại vẫn tăng dần đều.

Theo như số liệu công bố của KOSIS, vấn đề gia tăng và quá tải dân số trong khu vực này đang ngày một nghiêm trọng. Nếu như trong năm 1970, 28,7% dân số của cả đất nước Hàn Quốc sinh sống tại đây, thì con số này tăng không ngừng trong những năm tiếp theo, lên 42,8% trong năm 1990 và lên 49,2% trong năm 2010.

Giờ đây, con số này đang nằm ở mốc 50,001% trong năm 2019 là các bạn có thể đủ hiểu chỉ tiêu này đang tăng ở tốc độ chóng mặt như thế nào.

2. Phản ứng của người dân trước thông tin

Ngay sau khi số liệu được công bố, các nhóm dân sự chỉ trích chính phủ vì đã không hành động đủ nhanh và đủ quyết liệt để cải thiện tình hình.

“Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng khi mà hơn một nửa dân số quốc gia lại chỉ sống trên 11,8% diện tích đất hiện có. Tất cả tài nguyên tập trung hết về khu vực thủ đô … Việc các nhà làm luật đang lên kế hoạch giải tỏa các khu vực vành đai xanh xung quanh khu vực thủ đô lại càng làm cho vấn đề này trở nên khó giải quyết”.

Vành đai xanh (tên tiếng Anh là Green belt) là chính sách được sử dụng trong vấn đề quy hoạch đô thị nhằm giữ lại phần lớn các khu vực chưa phát triển, hoang dã hoặc đất nông nghiệp nằm xung quanh hoặc lân cận các đô thị.

Tại nhiều nước trên thế giới, vành đai xanh là chính sách để kiểm soát cường độ phát triển đô thị. Ý tưởng ban đầu là để tạo một vùng đệm nhằm bảo vệ khu vực nông thôn – nơi mà tiến trình đô thị hóa có thể gây ảnh hưởng trong tương lai gần.

Việc duy trì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và giải trí ngoài trời có mục đích cơ bản là để ngăn chặn sự mở rộng khu vực đô thị bằng cách công khai giữ đất vĩnh viễn, nhằm giúp thiên nhiên có thể được tái sinh và phát triển, không bị triệt hạ trong quá trình đô thị hóa.

Sở dĩ dân tập trung ở khu vực Seoul đông tới như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Seoul, có tên cũ là Hanyang, là thủ đô của Hàn Quốc từ Triều đại Joseon (1392 – 1910), được lựa chọn do vị trí địa lý thuận lợi, có sông và đồi núi nhỏ.

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số ở khu vực này chủ yếu là do sự phát triển của các ngành công nghiệp. Khu vực thủ đô Seoul nắm giữ cho mình nhiều tiện ích và lợi thế, như hệ thống giao thông rất đa dạng và phát triển, thị trường lao động sôi động, dòng vốn và công nghệ dịch chuyển liên tục,…

Tất nhiên khi quá nhiều người cùng tập trung trên một diện tích đất không tương xứng như vậy sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, mà ngay bề nổi có thể kể đến như: chi phí cao, khó thuê nhà, cạnh tranh việc làm khắc nghiệt, mật độ dân số cao…

Nếu các bạn là du học sinh đang tìm kiếm khu vực phù hợp thì ngoài Seoul, các bạn cũng có thể lựa chọn đi học tại các khu vực đông dân và phát triển khác như: Thành phố Daejeon, Daegu, Gwangju, Busan, Ulsan,…

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.