Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

Thường thì khi người ta nhắc đến làn sóng Hallyu Wave và sự xâm nhập của nền văn hóa Hàn Quốc, K-pop sẽ là cụm từ được nhắc đến đầu tiên. Nhưng các bạn có biết rằng, từ trước cả khi K-pop ra đời, đã có một cái gọi là “Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc”, thống trị và mang vẻ đẹp văn hóa Hàn ra ngoài nước.

Bài viết tham khảo:

1. Quá trình ra đời và phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trước năm 1980

Poster bộ phim Arirang nổi tiếng của Hàn Quốc thời kì đầu

Poster bộ phim Arirang nổi tiếng của Hàn Quốc thời kì đầu

Những bộ phim mà các bạn biết tới và được xem bây giờ có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ trong lịch sử đồ xộ của một trong những nền công nghiệp phát triển hàng đầu Hàn Quốc. Nếu muốn nói đến những dấu mốc ban đầu thì chúng ta phải quay ngược trở lại những năm 1900, khi mà Hàn Quốc vẫn đang còn bị quân đội Nhật xâm lược.

1.1. Giai đoạn từ những năm 1900 đến năm 1930

Bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc có tên là “Loyal Revenge” (1919) (Tên Tiếng Việt có thể tạm dịch là “Sự trả thù Chính đáng”), thuộc thể loại kino drama. Nó dính liền với tên tuổi của Kim Do-san và được người chủ nhà hát Dan Seong Sa, ông Park Sung-pil tài trợ.

Đến năm 1923, xuất hiện bộ phim “Wolha-ui Maengse” (tạm dịch là “Lời thề dưới Ánh trăng”). Đây là tác phẩm của đạo diễn Yun Baek-nam, cũng là tuyệt tác mở đầu cho thời kì phim câm của Hàn Quốc.

Trong thời kì này, có sự ra đời của “Arirang” (1926), một bộ phim được coi là nổi tiếng nhất về chủ nghĩa dân tộc trong giai đoạn này. Tuy nhiên do tính phức tạp của thời kì cũng như tính chất nhạy cảm của bộ phim mà buổi công chiếu của “Arirang” là một sự kiện náo loạn với áp phích và tất cả các hình thức quảng bá cho tác phẩm bị phá hoại. Vào thời kì đó, bộ phim không vượt qua được các quy định kiểm duyệt của Chính phủ.

1.2. Giai đoạn từ năm 1930 – 1950

Những năm 1930 đã có nhiều biến động xảy ra trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1935, người Nhật chỉ cho phép người dân Hàn sản xuất từ 2 đến 3 bộ phim mỗi năm. Tuy nhiên vào cuối thời kì này, chính quyền cai trị tại Hàn lúc bấy giờ được nới lỏng, những bộ phim có tiếng đầu tiên cũng được ra đời từ đây.

Phải kể đến trước tiên, đó chính là bộ phim “The Story of Chunhyang” (Xuân Hương truyện) của đạo diễn Lee Myong-u. Chủ đề vào thời kì này, chắc các bạn cũng đoán được, đó chính là tinh thần giải phóng dân tộc. Tuy nhiên đến năm 1942, nền điện ảnh Hàn Quốc lại rơi vào bế tắc do chính quyền cai trị Nhật bắt đóng cửa tất cả 10 công ty điện ảnh của Hàn Quốc.

Đồng thời ngay vào thời điểm đó, thành lập công ty TNHH Phim Choson trực thuộc chính phủ Nhật. Chính phủ cầm quyền mong muốn gài vào đầu người dân Hàn suy nghĩ Hàn Quốc lúc này không còn tồn tại, đồng hóa người Hàn với người Nhật. Tuy chính sách đã từng có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhưng nếu xét về chủ đề xuyên suốt các tác phẩm được ra đời trong thời kì đó thì người Hàn vẫn làm phim chủ yếu về giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị Nhật.

1.3. Giai đoạn từ năm 1950 – 1980

a/ Những năm 1950

Trong giai đoạn chiến tranh vẫn kéo dài, nhiều nhà làm phim bị bắt cóc từ các tỉnh phía Nam và bị đưa ra khu vực phía Bắc. Nhiều bộ phim cũng đã bị thất lạc. Điều kiện sống và sản xuất khắc nghiệt đã ngăn cản sự ra đời của những tác phẩm mới.

Tuy nhiên sau chiến tranh, nhu cầu giải trí của người dân lại trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Phim ảnh trở thành một yếu tố không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Vào thời kì này, bộ phim đình đám nhất chắc phải kể tới tác phẩm được chuyển thể lại từ “Xuân Hương truyện” với tên tiếng Hàn là “Chunhyang-jon” (làm lại năm 1955).

Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt tại Seoul, bộ phim đã thu hút được hơn 200.000 người xem (chiếm 10% dân số Seoul lúc bấy giờ). Chính sự thành công rực rỡ của tác phẩm đã khuyến khích sự ra đời của nhiều bộ phim khác và khôi phục nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc sau chiến tranh.

Bộ phim quá hay nên đã khiến Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, ông Lee Seung-man vô cùng yêu thích và đưa ra những biện pháp miễn thuế, đồng thời khuyến khích nền công nghiệp làm phim trong nước. Kết quả là đã có nhiều bộ phim giành giải quốc tế trong giai đoạn cuối những năm 1950, nổi bật là “Sijin Ganun Nal” (Ngày em đi lấy chống) với giải “Phim hài kịch hay nhất Liên hoan phim châu Á lần 4”.

b/ Những năm 1960 đến 1980

Những chủ đề phim vào thời kỳ này tập trung phản ánh sự bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị, bất hòa giữa các thế hệ và nỗi khổ của người dân sau chiến tranh. Có nhiều đạo diễn nổi lên trong thời gian này là đạo diễn: Yu Hyon-mok, Sin Sang-ok, Kim Gi-yong,…

Tuy nhiên sự kiện đảo chính quân sự diễn ra vào năm 1961 đã làm thay đổi mạnh mẽ nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Luật Điện ảnh ra đời, cơ cấu ngành công nghiệp thay đổi, có rào cản trong số lượng các công ty điện ảnh được phép thành lập, nhiều công ty thiết lập hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu phim.

Đến năm 1972, 20/23 công ty điện ảnh tuyên bố phá sản với những lí do chủ yếu là truyền hình phát triển và chất lượng phim ảnh sản xuất đã bị giảm sút. Lúc này cũng đã xuất hiện phim truyện dựng dựa trên các tác phẩm văn học và phim cho trẻ em.

Sau giai đoạn này, Luật Điện ảnh tiếp tục được sửa đổi. Số lượng phim phát hành hàng năm bị Chính phủ kiểm soát. Đặc biệt Hàn Quốc hạn chế tối đa việc nhập khẩu phim ảnh nước ngoài và thời lượng công chiếu các bộ phim đó.

2. Giai đoạn từ năm 1980 đến nay

Bản tình ca mùa đông là bộ phim đã cướp đi không biết bao nhiêu nước mắt của công chúng Việt Nam

Bản tình ca mùa đông là bộ phim đã cướp đi không biết bao nhiêu nước mắt của công chúng Việt Nam

Nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục phát triển và đứng đầu khu vực Châu Á, đẩy lùi phim Hollywood tại thị trường nội địa, tràn sang chiếm lĩnh nhiều thị trường của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự kiểm duyệt của Chính phủ vẫn tồn tại, hạn chế tính sáng tạo của các nhà làm phim và kết quả kiểm duyệt vẫn vấp phải sự phản đối từ phía người dân.

Bên cạnh những bộ phim dã sử, chủ đề đời sống xã hội vẫn luôn được quan tâm. Nếu như phải kể ra một cái tên nổi bật thì có thể điểm tới phim Shiri (1999) đã từng đánh bật doanh thu của bộ phim Titanic khi trình chiếu tại Hàn. Thời điểm này cũng dẫn theo sự hiện diện của một loạt các phim mà hiện nay chúng ta gọi chung là K-drama hiện nay.

Mở đầu của phong trào này đó chính là bộ phim đã ghi dấu sâu đậm trong tâm trí nhiều thành viên thế hệ 8x, 9x: “Bản tình ca mùa đông”. Đó mới chỉ là khởi đầu của sự trỗi dậy của K-drama khi nối tiếp sau là “Nấc thang lên thiên đường”, “Trái tim Mùa thu”,…

Dù có thời kì đã thụt lùi lại để nhường chỗ cho sự phát triển của K-pop, nhưng hầu như năm nào điện ảnh Hàn Quốc cũng có ít nhất một bộ phim ghi dấu trong lòng người xem như Full House (Ngôi nhà Hạnh phúc), Coffee Prince (Tiệm Cà phê Hoàng tử), Boys Over Flowers (Con nhà giàu), The Secret Garden (Khu vườn Bí mật), Hậu duệ Mặt trời,… Phim không chỉ thu hút được sự chú ý của người dân Hàn Quốc mà còn của các quốc gia Châu Á khác.

3. Những nguyên nhân thành công của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

Vậy những yếu tố nào đã làm nên sự thành công của ngành công nghiệp lâu đời này? Chắc có lẽ phải kể đến:

  • Chính sách quản lý của Chính phủ: Ủng hộ, quan tâm đầu tư, tiếp thu tinh hoa văn hóa của điện ảnh thế giới và sáng tạo phong cách riêng. Nền điện ảnh cải tổ toàn diện, đào tạo nhân lực một cách bài bản (cho đi học cả nước ngoài). Ngành công nghiệp được Chính phủ đặt ở vị trí then chốt trong chính sách phát triển văn hóa
  • Đội ngũ đạo diễn và diễn viên tài năng: Gây được tiếng vang tại Hollywood với nhiều tác phẩm mang tầm vóc quốc tế. Nhiều đạo diễn nổi tiếng như Park Chan Wook, Kim Ji Woon, Bong Joon Ho, Im Kwon Taek, Kang Woo Seok, Kang Je Gyu, Lee Chang Dong,… Đội ngũ diễn viên trai xinh gái đẹp, được huấn luyện bài bản.
  • Vũ khí truyền thông: Ngành truyền thông tại Hàn Quốc rất phát triển, là ngành kinh tế mũi nhọn, cạnh tranh khốc liệt, các chương trình giải trí và phim không bao giờ lặp nhau trên các nhà đài lớn, khai thác tốt các nét văn hóa truyền thống

Còn các bạn, các bạn có thích phim Hàn không?

korea.net.vn - Website Tư vấn Du học Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.